UBND tỉnh Nam Định ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tạm dừng tổ chức tất cả các lễ hội xuân Nhâm Dần |
Hàng năm, vào thời điểm sau Tết Nguyên đán trong dịp lễ hội mùa xuân từ đầu tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch, tỉnh Nam Định thường đón một lượng lớn khách du lịch về dự các lễ hội xuân truyền thống; tiêu biểu như: lễ hội Khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định), hội chợ Viềng Xuân (Vụ Bản, Nam Trực), lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản), lễ Phủ Quảng Cung (Ý Yên), lễ hội Chùa Lương (Hải Hậu)…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định, các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Năm nay là năm thứ 3 các lễ hội mùa xuân trên địa bàn tỉnh tạm dừng tổ chức. Tại các di tích, danh thắng chỉ tổ chức phần lễ trang trọng theo truyền thống, không tổ chức các hoạt động phần hội tập trung đông người, từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tại hai lễ hội độc đáo ngay trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán là chợ Viềng xuân Vụ Bản và Nam Trực thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện và các xã, thị trấn địa bàn có lễ hội đã chấp hành nghiêm việc không tổ chức các hoạt động hội hè, vui chơi, song để đáp ứng nguyện vọng đi lễ đầu năm của người dân vẫn tạo điều kiện để du khách về tham quan, lễ bái; tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là thực hiện quy định 5K tại các cơ sở thờ tự.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần tại Nam Định sẽ không được tổ chức để phòng dịch COVID-19. |
Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) là nơi thờ tự các vị vua Trần và Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn - Đức Thánh Trần theo tín ngưỡng dân gian. Năm nay các phần nghi lễ liên quan Lễ hội Khai ấn Đền Trần tổ chức từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng cầu cho “Quốc thái dân an, thiên hạ thái bình”, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc vẫn được tổ chức trong phạm vi hẹp (số lượng từ 20-30 người), đảm bảo trang nghiêm. Vào các ngày 11, 12 tháng giêng tổ chức nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá.
Đêm ngày 14 tháng giêng tổ chức các nghi lễ: dâng hương, rước kiệu ấn, khai ấn do chính quyền địa phương và nội bộ nhà đền thực hiện. Từ ngày 15 tháng giêng, nhà đền tổ chức phát ấn tại một địa điểm cố định cho người dân có nhu cầu xin lộc ấn. Ước tính, từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 10 nghìn lượt du khách về Đền Trần, Chùa Tháp tham quan, chiêm bái di tích, dâng hương tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần.
Đi lễ đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở tỉnh ta, việc thực hành tín ngưỡng truyền thống cần có sự sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch.
Hơn 2 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tạm dừng, thu hẹp quy mô, điều chỉnh cách thức tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh tạm dừng tổ chức, vì vậy lượng khách du lịch tâm linh giảm đáng kể, doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh sụt giảm.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động tín ngưỡng biến tướng mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh, thương mại hóa lễ hội và các giá trị văn hóa truyền thống… đã giảm đi đáng kể. Tình trạng tập trung đông người khấn vái, dâng sao giải hạn tại các cơ sở thờ tự cũng được hạn chế. Nhìn theo khía cạnh tích cực thì đây chính là cơ hội để lập lại sự tôn nghiêm của di tích, nét đẹp văn hóa đích thực của lễ hội truyền thống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an tỉnh), Phòng Văn hóa - Thông tin và Công an các huyện, thành phố tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa điểm thường thu hút đông người đi lễ đầu năm như các di tích: Chùa Đại Bi, Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư (Nam Trực); Phủ Dầy (Vụ Bản); Đền Trần, Chùa Tháp (thành phố Nam Định), Đền Bảo Lộc, Đền Lựu Phố, Đền Cây Quế (Mỹ Lộc), Chùa Cổ Lễ ( Trực Ninh), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường)…
Việc chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn phòng dịch tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa sẽ góp phần giữ gìn bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho những mùa lễ hội tâm linh trang nghiêm, lành mạnh, đậm đà bản sắc truyền thống./.