Giữ gìn di sản văn hóa – Chìa khóa phát triển bền vững Bảo tồn di sản, tạo nền cho du lịch cất cánh Sáp nhập tỉnh thành và bài toán giữ hồn di sản |
Di sản chưa được đặt đúng vai trò
![]() |
Di sản tâm linh Đền Hùng là điểm nhấn trong chuỗi kết nối vùng văn hóa Bắc Bộ, góp phần xây dựng thương hiệu vùng trong không gian hành chính mới. |
Việc sắp xếp lại địa giới hành chính cấp tỉnh trong năm 2025 không chỉ là điều chỉnh đường ranh địa lý, mà còn mở ra một không gian phát triển mới về văn hóa, kinh tế và xã hội. Việc hợp nhất 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh từ tháng 7/2025 đã tạo nên những vùng phát triển tích hợp – nơi hệ sinh thái di sản văn hóa và thiên nhiên nổi lên như một trụ cột tiềm năng nhưng chưa được định vị đúng mức trong chiến lược phát triển vùng.
Trong bối cảnh đó, Ninh Bình mới (được sáp nhập bởi Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam) nổi bật với hệ sinh thái di sản đa tầng và đa dạng, từ di sản tự nhiên đến di sản tâm linh, văn học và làng nghề. Đây là không gian hội tụ nhiều cụm di sản đặc sắc như Tràng An – di sản hỗn hợp thế giới duy nhất ở Đông Nam Á, quần thể Bái Đính, khu du lịch Tam Chúc, nhà thờ đá Phát Diệm, Phủ Dầy, và làng Vũ Đại gắn với di sản văn học Nam Cao.
Mỗi điểm di sản đều có giá trị riêng biệt, nhưng khi cùng hội tụ trong một không gian hành chính tích hợp, sẽ mở ra tiềm năng to lớn cho phát triển vùng theo hướng bền vững và có chiều sâu văn hóa. Không chỉ riêng Ninh Bình mới, nhiều tỉnh sáp nhập khác như Phú Thọ mới (được sáp nhập bởi Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ), hay Cần Thơ mới (từ Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ) cũng sở hữu hệ sinh thái di sản đậm đặc – từ hát xoan, lễ hội Đền Hùng cho đến nghệ thuật Khmer Nam Bộ.
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn khai thác di sản theo cách manh mún, phân tán theo địa giới cũ, hoặc chỉ dừng lại ở phát triển lễ hội đơn lẻ thiếu gắn kết. Một trong những bất cập lớn là tư duy phát triển di sản còn mang tính ngắn hạn. Ở nhiều nơi, đầu tư vào du lịch di sản vẫn thiên về hạ tầng ồ ạt, mở rộng không kiểm soát vùng lõi và vùng đệm, dẫn đến nguy cơ suy thoái môi trường và xói mòn giá trị nguyên bản.
Ông Nguyễn Ngọc Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng – từng cảnh báo: “Mọi can thiệp vào di sản phải dựa trên khả năng chịu tải của tự nhiên. Nếu không cẩn trọng, thiệt hại sẽ là không thể phục hồi.” Đây là lời cảnh báo đặc biệt đáng lưu tâm với các vùng núi đá vôi, rừng đặc dụng và vùng đệm sinh thái nhạy cảm như Tràng An.
Cùng với đó, tình trạng sân khấu hóa, thương mại hóa và “hoành tráng hóa” di sản ngày càng phổ biến. GS.TS Từ Thị Loan - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo tại Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lưu ý: nếu không cẩn trọng, việc dàn dựng vội vàng hoặc biến tấu quá mức các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, dân ca, múa rối... có thể làm sai lệch bản chất, chức năng và đánh mất sức hấp dẫn nguyên bản của di sản.
Các chuyên gia văn hóa nhận định rằng nếu chỉ coi di sản là tài nguyên du lịch đơn lẻ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tạo dựng thương hiệu vùng có bản sắc. Trong kỷ nguyên cạnh tranh mềm toàn cầu, di sản không chỉ cần được gìn giữ mà còn phải được nâng tầm thành tài sản chiến lược – gắn với đổi mới sáng tạo, công nghiệp văn hóa và phát triển con người.
Không gian mới mở hướng phát triển tích hợp
![]() |
Toàn cảnh khu du lịch Tam Cốc – Bích Động nhìn từ trên cao, nơi giao hòa giữa văn hóa tâm linh và thiên nhiên vùng núi đá vôi Ninh Bình mới. |
Không gian hành chính mới chính là điều kiện thuận lợi để hoạch định chiến lược phát triển di sản theo hướng tích hợp đa ngành – nơi di sản không chỉ là “điểm đến” mà trở thành hạt nhân của hệ sinh thái phát triển bền vững. Minh chứng là mô hình du lịch sinh thái Tràng An, nơi đã áp dụng cơ chế phát triển gắn với cộng đồng một cách hiệu quả: hạn chế xe cơ giới, giao người dân bản địa đảm nhiệm dịch vụ vận chuyển du khách, kiểm soát chặt chẽ lưu lượng khách... Nhờ vậy, Tràng An vừa giữ được giá trị sinh thái – văn hóa nguyên bản, vừa tạo sinh kế bền vững cho hàng nghìn người dân vùng ven.
Tương tự, sáng kiến “Làng Vũ Đại ngày ấy” khai thác di sản văn học Nam Cao cũng là một mô hình tiên phong trong du lịch văn hóa gắn với sản phẩm OCOP. Với cá kho làng Vũ Đại, nhà Bá Kiến, đình Đại Hoàng, khu tưởng niệm Nam Cao..., nơi đây đã chuyển hóa không gian văn học thành sản phẩm du lịch, biểu tượng thương hiệu địa phương và điểm đến hấp dẫn.
Không gian mới cũng cho phép quy hoạch chuỗi liên kết vùng di sản như tuyến “Ba kinh đô cổ” (Hoa Lư – Thiên Trường – Đền Lý Quốc Sư) hay “Tam giác tâm linh” (Bái Đính – Phủ Dầy – Tam Chúc). Nếu được thiết kế đồng bộ về quy hoạch, truyền thông và hạ tầng, các tuyến này không chỉ phân bổ lại dòng khách mà còn góp phần xây dựng thương hiệu vùng mạnh mẽ và bền vững.
Việc hình thành các tuyến kết nối liên vùng không chỉ giúp phát huy đồng đều giá trị các điểm di sản mà còn mở ra các "vành đai văn hóa mềm", kết nối từ đồng bằng đến trung du, từ miền biển lên miền núi. Chẳng hạn, tuyến “Hành lang sông Hồng” có thể nối từ Hoa Lư – Tràng An đến Đền Hùng – Làng cổ Đường Lâm, định hình một chuỗi giá trị văn hóa Bắc Bộ vượt ra khỏi ranh giới hành chính.
Quan trọng hơn, di sản không chỉ dừng lại ở yếu tố vật thể mà còn có thể chuyển hóa thành sản phẩm kinh tế sáng tạo: từ phim ảnh, trò chơi lịch sử, trình diễn thực cảnh, thời trang văn hóa đến sản phẩm thủ công, bảo tàng ảo, trải nghiệm thực tế ảo… giúp giới trẻ và du khách quốc tế tiếp cận di sản một cách sinh động, hấp dẫn và hiện đại hơn.
Đặc biệt, người dân cần được xác lập vai trò trung tâm trong gìn giữ và phát huy di sản. Khi sinh kế gắn với di sản, người dân sẽ trở thành chủ thể bảo tồn hiệu quả và lâu dài nhất. Mô hình cộng đồng Tràng An, làng nghề ở làng Vũ Đại, các nghệ nhân hát xẩm ở Ninh Bình hay nghệ nhân múa rối nước ở Tam Cốc là minh chứng sống động cho vai trò của cộng đồng bản địa – những người kể chuyện di sản một cách chân thực và sống động nhất.
Ở cấp chiến lược, di sản cần được định vị là một trụ cột phát triển ngang hàng với công nghiệp, nông nghiệp và hạ tầng. Như PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật từng nhận định: “Chúng ta có thể học mọi công nghệ, nhưng không thể học được bản sắc văn hóa.” Di sản chính là căn cước phát triển trong kỷ nguyên toàn cầu hóa – nơi mỗi mái đình, câu văn, món ăn, lễ hội… đều có thể trở thành thương hiệu mềm của địa phương và quốc gia.