Du lịch Việt Nam 2025: Siết chặt quản lý, nâng tầm chất lượng dịch vụ Du lịch Việt: Thành tích rực rỡ, nhưng thiếu điểm chạm với khách Tây Tạo sức bật cho du lịch Việt Nam |
Tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững
![]() |
Lượng khách quốc tế tăng mạnh trong mùa cao điểm đặt ra thách thức cho hạ tầng và chất lượng dịch vụ du lịch. |
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 26% so với năm 2019 – thời kỳ đỉnh cao trước đại dịch Covid-19. Riêng quý I ghi nhận hơn 6 triệu lượt khách, mức cao nhất từ trước đến nay trong một quý. Những con số này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, đồng thời cho thấy vai trò ngày càng lớn của lĩnh vực này trong tăng trưởng dịch vụ và tiêu dùng xã hội.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh về lượng khách đang bộc lộ những dấu hiệu mất cân đối. Khách từ khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 60% tổng lượng khách quốc tế, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào một số thị trường trọng điểm. Trong đó, Trung Quốc đạt 2,7 triệu lượt và Hàn Quốc đạt 2,2 triệu lượt – dẫn đầu các nguồn khách vào Việt Nam.
Ngoài ra, gần 9 triệu lượt khách quốc tế đến bằng đường hàng không, trong khi đường bộ và đường biển chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Điều này cho thấy mạng lưới hàng không đang giữ vai trò then chốt, nhưng cũng đặt ra áp lực lớn lên hạ tầng sân bay – một thách thức không nhỏ nếu lượng khách tiếp tục tăng nóng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, theo báo cáo World Tourism Barometer tháng 5 của Tổ chức du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), Việt Nam đứng thứ 6 toàn cầu về tăng trưởng khách quốc tế và xếp đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, mức độ phục hồi chung của khu vực này vẫn thấp hơn các khu vực khác. So với quý I/2019, khu vực châu Á – Thái Bình Dương mới đạt 91% mức trước dịch, thấp hơn Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.
Bên cạnh số lượng, vấn đề về chất lượng chi tiêu, thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của du khách cũng cần được chú trọng. Báo cáo của UN Tourism cho biết, chi tiêu trung bình toàn cầu cho mỗi chuyến đi hiện đạt 1.170 USD, cao hơn mức 1.000 USD trước đại dịch. Tuy nhiên, chưa có số liệu cụ thể cho thấy Việt Nam đã tận dụng được xu hướng gia tăng chi tiêu này.
Chính sách visa và hàng không tạo đòn bẩy tăng trưởng
![]() |
Các đường bay quốc tế mới liên tục được khai trương, tạo lực đẩy quan trọng cho thu hút du khách toàn cầu. Ảnh: Bá Duy |
Theo nhiều tổ chức quốc tế, một trong những yếu tố then chốt giúp Việt Nam vươn lên nhóm đầu tăng trưởng du lịch là việc triển khai chính sách thị thực điện tử từ năm 2023. Chính sách này cho phép du khách quốc tế lưu trú tối đa 90 ngày – gấp ba lần so với trước đó. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang miễn thị thực cho công dân 16 quốc gia, bao gồm nhiều thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Ý, Nga...
UN Tourism nhận định, việc đơn giản hóa thủ tục thị thực đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng khách mới trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang phục hồi hậu đại dịch, đồng thời đối mặt với nhiều bất ổn địa chính trị và áp lực lạm phát cao.
Cùng với chính sách visa là việc mở rộng mạng bay quốc tế. Ngày 1/7, Vietnam Airlines khai trương đường bay thẳng Hà Nội – Milan (Ý), trong khi Vietjet cũng chính thức đưa vào khai thác tuyến bay Hà Nội – Thành Đô (Trung Quốc). Đây là minh chứng cho nỗ lực tiếp cận sâu hơn vào các thị trường tiềm năng từ Đông Bắc Á đến châu Âu của ngành hàng không Việt Nam.
Nhờ những động lực này, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận nhiều cột mốc ấn tượng: quý I/2025, lượng khách quốc tế tăng 30% so với cùng kỳ 2024 và tăng 34% so với quý I/2019 – đứng thứ hai toàn cầu về tốc độ phục hồi sau dịch. Tổng thu từ du lịch quốc tế cũng tăng 29% so với năm 2024, xếp thứ tư toàn cầu.
Theo Tổng Thư ký UN Tourism, ông Zurab Pololikashvili, sự phục hồi rõ rệt của dòng khách quốc tế tại nhiều điểm đến là “tin tốt” cho các nền kinh tế và người lao động toàn cầu, trong đó Việt Nam là một điển hình của sự kết hợp hiệu quả giữa chính sách và điều hành quyết liệt từ ngành du lịch.
Đáng chú ý, lượng người Việt xuất cảnh cũng đạt 4 triệu lượt trong 6 tháng đầu năm, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước – cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ cả ở hai chiều đi và đến.
Dù triển vọng tăng trưởng được đánh giá tích cực với mục tiêu 23 triệu khách quốc tế trong năm 2025, nhưng để đảm bảo hiệu quả bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng, đa dạng hóa phân khúc thị trường, và đặc biệt là nâng cao khả năng chi tiêu của du khách thông qua phát triển sản phẩm cao cấp, dịch vụ chất lượng và trải nghiệm bản địa độc đáo.