Khám phá thiên nhiên tuyệt đẹp qua du lịch sinh thái và giải trí Thành nhà Hồ: Từ di sản lịch sử đến điểm du lịch hút hồn Đánh thức tiềm năng du lịch từ “cú hích kép” lịch sử và tâm linh |
Thiếu vắng du khách “Tây” trong bức tranh du lịch Việt Nam
![]() |
Du khách châu Âu mang lại doanh thu lớn, giá trị thương hiệu mạnh và là cầu nối cho phát triển bền vững. |
Ngay từ đầu năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đã ghi nhận một “mưa” giải thưởng uy tín trên trường quốc tế, vượt trội so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2025, Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng cho 17 đơn vị du lịch xuất sắc. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, hãng truyền thông và tạp chí du lịch danh tiếng như CNN, Travel & Leisure, The Travel, Wanderlust hay Tripadvisor cũng nhiều lần tôn vinh Việt Nam với những đánh giá tích cực về ẩm thực, danh lam thắng cảnh và các điểm đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, dù có nhiều thành công trong việc gây chú ý quốc tế, lượng du khách đến từ các thị trường châu Âu và châu Mỹ vẫn còn khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia, năm 2024 Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách từ châu Á chiếm đến 79,6%, còn khách từ châu Âu chỉ chiếm 11,3% và châu Mỹ khoảng 5,7%.
Tình hình tương tự cũng diễn ra trong 4 tháng đầu năm 2025, khi Việt Nam đón 7,67 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong số này, khách du lịch châu Á chiếm gần 78%, nổi bật là thị trường Trung Quốc với 1,95 triệu lượt. Trong khi đó, lượng khách đến từ các quốc gia châu Âu như Nga (166.000 lượt), Anh (155.000 lượt), Pháp (137.000 lượt) và Đức (125.000 lượt) vẫn còn khá hạn chế. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Bruno Jaspaert chia sẻ rằng, tại châu Âu, hình ảnh du lịch Việt Nam chưa được lan tỏa rộng rãi dù đây là điểm đến hấp dẫn, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách từng trải nghiệm.
Một khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường du lịch Outbox Company thực hiện cũng cho thấy, mức độ nhận biết về hình ảnh Việt Nam trong mắt khách quốc tế chỉ đạt mức trung bình khá, với 4,1 điểm trên thang điểm 7. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng nhận định, dù Chính phủ đã có chính sách miễn thị thực cho công dân 15 nước châu Âu nhằm thúc đẩy lượng khách, nhưng hiện nay các sản phẩm và dịch vụ du lịch của Việt Nam chưa đủ đa dạng và phong phú để thu hút những du khách cao cấp từ châu Âu và châu Mỹ.
“Sự đơn điệu trong các sản phẩm dịch vụ du lịch chính là nguyên nhân cốt lõi khiến Việt Nam chưa thể hấp dẫn được khách ‘Tây’. Ví dụ như múa rối nước ở Hà Nội rất được yêu thích, nhưng sân khấu còn nhỏ, các suất diễn cũng còn đơn giản. Để quảng bá hiệu quả, ngành du lịch cần phát triển thêm nhiều sản phẩm chất lượng, đa dạng và hấp dẫn hơn", ông Bình chia sẻ.
Nâng tầm sản phẩm, quảng bá điểm đến để hút khách châu Âu cao cấp
![]() |
Du khách châu Âu tham quan phố đi bộ Hoàn Kiếm. |
Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, để thu hút du khách đến từ những thị trường khó tính như châu Âu hay châu Mỹ, các doanh nghiệp Việt cần không chỉ đa dạng hóa sản phẩm tour mà còn chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh điểm đến tại các quốc gia này. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch thiên về trải nghiệm bền vững, nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với khám phá văn hóa bản địa. Các hành trình thường kéo dài từ 8 đến 14 ngày, đưa du khách qua nhiều điểm đến nổi bật như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, TP.HCM, Cần Thơ, và kết hợp nghỉ dưỡng tại những thiên đường biển như Phú Quốc hay Nha Trang.
Bà Lê Thị Thanh Thủy – Giám đốc điều hành Công ty Indochina Voyages – chia sẻ rằng, các tour dành cho khách châu Âu luôn được công ty thiết kế ở tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên, với sự chăm chút kỹ lưỡng cả về dịch vụ lẫn trải nghiệm văn hóa. Trong khi đó, bà Ngô Thị Hương – Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing của Vinpearl – cho biết đơn vị này đang phát triển các điểm đến “một nơi, nhiều trải nghiệm”, đặc biệt là các sản phẩm du lịch xanh như Vinpearl Safari Phú Quốc hay Vinpearl River Safari Nam Hội An, nhằm hướng đến nhóm du khách Âu – Mỹ yêu thích thiên nhiên và sự bền vững.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các công ty du lịch lớn như Saigontourist, Vietravel, Fiditour cũng chủ động tham gia các hội chợ quốc tế tại Berlin, Paris, Milan để giới thiệu hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Nhờ các hoạt động xúc tiến này, nhiều doanh nghiệp Việt đã ký kết hợp tác với các đối tác du lịch hàng đầu châu Âu như Studiosus Reisen (Đức) hay Kuoni Global Travel Services (Thụy Sĩ), góp phần gia tăng lượng khách đặt tour Việt Nam trong mùa hè 2025.
Nhằm hỗ trợ ngành du lịch trong việc tiếp cận thị trường châu Âu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề "Việt Nam - Đi để yêu". Trong khuôn khổ chương trình, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến tại Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ, nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia này.
Một tín hiệu tích cực khác đến từ lĩnh vực hàng không, khi ông Đinh Văn Tuấn – Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines – cho biết, từ tháng 7/2025 hãng sẽ chính thức khai thác đường bay thẳng Hà Nội – Milan (Ý). Tuyến bay này sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Ý nói riêng và châu Âu nói chung khám phá vẻ đẹp Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025.
Riêng tại Hà Nội – một điểm đến giàu bản sắc văn hóa, Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết thành phố vừa ban hành Kế hoạch 124/KH-UBND về chương trình kích cầu du lịch năm 2025. Theo đó, ngành du lịch Thủ đô sẽ đẩy mạnh quảng bá tại cả thị trường nội địa và quốc tế, trong đó tập trung tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp, Ý, Thụy Sĩ. Đồng thời, Hà Nội sẽ tham gia các hội chợ du lịch uy tín như ITB Asia 2025 (Singapore), IMEX Frankfurt 2025 (Đức), Tourism Expo Japan 2025 (Nhật Bản), FTM Top Resa 2025 (Pháp). Ngoài ra, thành phố cũng sẽ phối hợp cùng các hãng hàng không đón các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP quốc tế đến khảo sát và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như làng nghề hay sản phẩm OCOP – hướng đến xây dựng hình ảnh một Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại trong mắt du khách quốc tế.