Du lịch nâng bước, nông sản vươn xa: Cơ hội từ một hành trình chung Du lịch Việt: Thành tích rực rỡ, nhưng thiếu điểm chạm với khách Tây Du lịch biển dẫn đầu danh sách lựa chọn hè của gia đình Việt |
Không gian rộng mở tạo cực tăng trưởng mới cho du lịch
![]() |
Mùa vàng Mù Cang Chải, Yên Bái. |
Từ đề xuất sáp nhập các tỉnh, thành như Hải Phòng – Hải Dương, Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận, Hà Giang – Tuyên Quang hay Bắc Ninh – Bắc Giang…, có thể nhìn thấy bức tranh tương lai sôi động của ngành du lịch với những cực tăng trưởng mới đang dần hình thành. Khi ranh giới hành chính được điều chỉnh, không gian du lịch không còn bị giới hạn theo đơn vị địa phương nhỏ lẻ mà được tích hợp phong phú hơn cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn chiều sâu văn hóa.
Trước đây, các tuyến tour trong nước thường mang tính “một tỉnh, một sản phẩm”, thiếu sự kết nối mềm dẻo về hạ tầng, dịch vụ. Với địa bàn mới sau sáp nhập, cơ hội mở ra cho những hành trình kết nối liên vùng – từ biển lên rừng, từ đồng bằng đến cao nguyên – khiến sản phẩm trở nên đa dạng và có tính hệ thống. Việc quy hoạch tích hợp cho phép địa phương phát triển sản phẩm đặc thù theo tiểu vùng, đồng thời tránh được sự dàn trải và lãng phí nguồn lực.
Cụ thể, nếu Hải Phòng và Hải Dương hợp nhất, một tuyến du lịch mới hoàn toàn khả thi có thể bắt đầu từ di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, qua đền thờ Chu Văn An và kết thúc ở các bãi biển như Đồ Sơn, Cát Bà hay vịnh Lan Hạ. Chỉ trong một hành trình, du khách sẽ đi từ vùng đất linh thiêng đậm màu lịch sử đến các bãi biển nổi tiếng, trải nghiệm trọn vẹn văn hóa, thiên nhiên và nghỉ dưỡng.
Tương tự, vùng hợp nhất giữa Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận mang tiềm năng hình thành “tam giác du lịch” độc đáo tại khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên. Từ khí hậu se lạnh của cao nguyên Đà Lạt, xuống với biển xanh Mũi Né và vòng về không gian văn hóa buôn làng Tây Nguyên, đây sẽ là hành trình giàu cảm xúc và bản sắc, thu hút không chỉ du khách nội địa mà còn hấp dẫn thị trường quốc tế. Những giá trị du lịch đặc thù như rừng thông, thác nước, cà phê và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hoàn toàn có thể được tích hợp vào một chuỗi dịch vụ quy mô lớn, hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn trước.
Tuy nhiên, cơ hội không đi kèm thành công nếu thiếu chiến lược đồng bộ. Theo các chuyên gia, việc tích hợp lợi thế vùng – như du lịch biển (Bình Thuận), du lịch sinh thái (Lâm Đồng) hay du lịch cộng đồng và văn hóa bản địa (Đắk Nông) – cần một tầm nhìn dài hạn để tránh sự chồng chéo trong sản phẩm và đầu tư. Khi quy hoạch đồng bộ, hạ tầng và dịch vụ sẽ theo kịp sự mở rộng không gian, tạo điều kiện hình thành các trung tâm du lịch mới có khả năng cạnh tranh cao, thay thế mô hình phát triển tự phát, manh mún như trước đây.
Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội, nhận định: “Sáp nhập là cơ hội để các địa phương tổ chức lại hệ sinh thái du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn, tạo ra chuỗi sản phẩm liên hoàn, mạch lạc, mang đến trải nghiệm trọn vẹn từ núi rừng tới đồng bằng và vùng biển.”
Không chỉ vậy, không gian mới còn là động lực cho chuyển đổi số trong ngành du lịch. Khi mô hình quản trị được hợp nhất, dữ liệu du lịch có thể được quản lý tập trung hơn, hỗ trợ doanh nghiệp và cơ quan quản lý triển khai công nghệ một cách nhất quán. Các ứng dụng đặt tour, thanh toán, thuyết minh tự động, hay bản đồ số điểm đến sẽ phát huy hiệu quả khi quy mô sản phẩm được mở rộng.
Giữ nguyên tên gọi di sản để bảo tồn ký ức và thương hiệu
![]() |
Làng rau Trà Quế - điểm du lịch xanh trong lòng Hội An. |
Một trong những lo ngại lớn nhất khi sáp nhập tỉnh chính là nguy cơ làm phai nhạt bản sắc địa phương, đặc biệt là qua việc thay đổi tên gọi các địa danh, di sản đã in sâu trong tâm thức cộng đồng. Tên gọi không đơn thuần là ký hiệu hành chính, mà chính là lớp trầm tích văn hóa, là thương hiệu du lịch đã được định hình qua thời gian.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo rõ ràng: Không thay đổi tên gọi các di sản văn hóa – thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt hay các danh thắng đã được công nhận. Điều này không chỉ nhằm giữ gìn ký ức cộng đồng mà còn để bảo vệ giá trị thương hiệu du lịch – yếu tố quan trọng trong việc định vị điểm đến trên bản đồ trong nước và quốc tế.
Không ai gọi Côn Sơn – Kiếp Bạc là “di tích Hải Dương cũ”, cũng như không ai nhắc đến Mũi Né bằng tên hành chính mà không liên tưởng đến biển xanh, cát trắng và nắng vàng đặc trưng của Phan Thiết. Hội An, Đồng Văn, Mù Cang Chải, Mã Pì Lèng… đã vượt qua ranh giới địa lý để trở thành biểu tượng trong lòng du khách. Những cái tên này đại diện cho một không gian ký ức, một hệ giá trị văn hóa và là kết tinh của thời gian, con người và thiên nhiên.
Chị Lê Phương Liên, một du khách Hà Nội chia sẻ sau chuyến đi: “Tôi quay lại Hội An không phải vì đó là thành phố thuộc tỉnh nào, mà vì tôi nhớ không khí cổ kính, món cao lầu, đêm đèn lồng và sự thân thiện của người dân.” Câu nói ấy khẳng định: điều níu chân du khách là cảm xúc, là bản sắc chứ không phải ranh giới hành chính.
Do đó, trong quá trình tái cấu trúc du lịch, việc giữ gìn các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, trang phục và lễ hội địa phương cần được chú trọng ngang với phát triển hạ tầng hay sản phẩm mới. Bản sắc văn hóa chính là “chất liệu đặc biệt” để xây dựng các tour trải nghiệm có chiều sâu, khác biệt, tạo dấu ấn bền vững với du khách.
Các chuyên gia du lịch cũng khuyến nghị rằng, cùng với việc giữ nguyên tên gọi, cần triển khai đồng bộ các chương trình truyền thông, quảng bá hình ảnh vùng mới trên nền tảng những giá trị cũ. Tạo lập các chuỗi sự kiện văn hóa, các lễ hội truyền thống theo vùng di sản hiện hữu sẽ giúp gắn kết người dân bản địa với mô hình quản lý mới, đồng thời giữ chân du khách thông qua những giá trị đậm đà bản sắc.
Sáp nhập tỉnh là bước đi hành chính quan trọng, nhưng tái định hình du lịch lại là hành trình văn hóa và cảm xúc. Mỗi địa phương không chỉ là một phần bản đồ mà cần được nhìn nhận như một “mảnh ghép” trong chuỗi giá trị du lịch quốc gia. Ở đó, yếu tố bản sắc trở thành cốt lõi của chiến lược phát triển – sáng tạo, liên kết và bền vững.
Khi ranh giới hành chính thay đổi, có thể tên tỉnh mới sẽ khác, nhưng nếu các lớp văn hóa, truyền thống vẫn được tôn trọng, bảo tồn và làm mới đúng cách, thì những vùng đất ấy sẽ không chỉ giữ được hồn mà còn lan tỏa sức hút mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong lòng du khách bốn phương.