Du lịch nâng bước, nông sản vươn xa: Cơ hội từ một hành trình chung Đánh thức tiềm năng du lịch từ “cú hích kép” lịch sử và tâm linh Phát triển du lịch di sản đòi hỏi sự bài bản và trách nhiệm |
Bức tranh sôi động từ thị trường đến doanh nghiệp
![]() |
Du khách tham gia lễ hội mùa hè tại Tam Cốc, Ninh Bình, góp phần kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao trải nghiệm du lịch. |
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã chào đón hơn 6,2 triệu lượt khách quốc tế – con số không chỉ tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, mà còn vượt xa giai đoạn “vàng son” năm 2019. Nhưng điểm nhấn không nằm ở con số, mà ở chất lượng của dòng khách đang quay trở lại.
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours chia sẻ: "Phân khúc khách cao cấp đang dẫn nhịp thị trường, sẵn sàng trả giá cao cho những trải nghiệm cá nhân hóa, chạm vào cảm xúc, tạo ấn tượng khó quên." Những người từng chu du nhiều nơi giờ đây tìm đến sự khác biệt, sâu sắc và mang tính bản sắc hơn là những tour tuyến quen thuộc.
Chính sách miễn thị thực 90 ngày được mở rộng cho 15 quốc gia, cùng việc khai thác thêm các đường bay đến Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc… đã tạo lực đẩy mạnh mẽ cho du lịch inbound. Các doanh nghiệp nhạy bén nhanh chóng bắt sóng và triển khai loạt sản phẩm mới. Vietravel Hà Nội đưa ra gói "Trải nghiệm xanh – Chạm Hè chất", tập trung vào nhóm khách gia đình, ưu đãi vé tham quan tại các điểm gắn với thiên nhiên, giáo dục môi trường.
Trong khi đó, Flamingo Redtours giới thiệu dòng tour cao cấp dành cho giới thượng lưu – nơi mỗi hành trình được thiết kế như một bản giao hưởng trải nghiệm cá nhân. Không chỉ làm mới sản phẩm, nhiều doanh nghiệp còn chuyển mình theo hướng du lịch trách nhiệm, áp dụng công nghệ số để hỗ trợ quản lý hành trình, nâng cao trải nghiệm, từ đó khẳng định thương hiệu một cách bền vững hơn.
Không khí đổi mới cũng lan tỏa tới các địa phương. Quảng Ninh thắp sáng đêm hè bằng “Vũ điệu đại dương”, Huế rực rỡ cùng Festival Mùa hè, Hà Nội “thức giấc” với các tour ẩm thực - nghệ thuật đêm, Hà Nam đưa công viên nước Sun World vào hoạt động buổi tối. Còn Hải Phòng mang đến show nghệ thuật "Bản giao hưởng đảo xanh" cùng tàu Hoa Phượng Đỏ, Sa Pa tiếp tục kể chuyện tình hoa hồng, Đà Nẵng nối dài thương hiệu pháo hoa quốc tế, và Thái Nguyên đánh thức du lịch văn hóa trà bằng city tour và tàu trải nghiệm mới.
Đà tăng trưởng có đủ “bánh dự phòng”?
![]() |
Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). |
Dễ thấy, các tour về đêm, sản phẩm trái mùa và trải nghiệm bản địa đang được đầu tư như lời giải cho bài toán "thoát lệ thuộc mùa cao điểm", từ đó tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Nhưng để thực sự tạo khác biệt, công nghệ đang trở thành “trợ thủ” đắc lực cho ngành du lịch.
Các bản đồ số, mã QR thông tin tour, hướng dẫn viên ảo, AI cá nhân hóa lịch trình… đã không còn là khái niệm xa lạ. Tất cả đều nhằm mục tiêu đem lại hành trình suôn sẻ, linh hoạt và nhiều cảm xúc hơn cho du khách. TS. Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup khẳng định: “Du khách ngày nay không còn chỉ tìm kiếm danh lam thắng cảnh, mà tìm kiếm chính mình trong hành trình ấy.” Một sản phẩm du lịch muốn thành công không chỉ đẹp mắt, mà còn phải tạo được cảm xúc sâu đậm, giúp du khách muốn quay lại thêm nhiều lần nữa.
Tuy nhiên, tăng trưởng nóng cũng đặt ra không ít vấn đề. Chất lượng dịch vụ thiếu đồng đều, giá cả không tương xứng với trải nghiệm, hạ tầng ở một số điểm đến chưa đáp ứng kịp… là những thực tế cần được nhìn nhận thẳng thắn. Đặc biệt, bài toán nhân lực du lịch sau đại dịch đang trở nên căng thẳng khi nhiều điểm đến thiếu lao động lành nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ trong mùa cao điểm.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), “Ngành du lịch Việt Nam đang chuyển động nhanh, nhưng chưa hẳn là chuyển động bền vững.” Ông ví von rằng chiếc xe đang lao nhanh trên đường cao tốc, nhưng thiếu bánh dự phòng – dễ trượt khỏi quỹ đạo nếu gặp trục trặc bất ngờ.
Ngoài nhân lực, yếu tố môi trường cũng là điều ngành cần đặc biệt lưu tâm. Nếu không kiểm soát tốt lượng khách và có chiến lược bảo tồn cụ thể, những điểm đến từng là niềm tự hào hoàn toàn có thể đánh mất sức hút. “Mùa hè 2025 là một phép thử quan trọng. Để chuyển từ ‘mùa vàng’ ngắn hạn sang ‘kỷ nguyên vàng’ dài hạn, ngành du lịch cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa chính sách và doanh nghiệp, giữa hạ tầng – nhân lực – truyền thông và giá trị bản địa,” ông Long nhấn mạnh.