Cháo lòng Việt Nam: Từ tranh cãi đến tinh hoa ẩm thực Đánh thức tiềm năng nông nghiệp hữu cơ Việt Nam “Bộ tứ trụ cột” thể chế: Bệ phóng đưa Việt Nam cất cánh |
Âm nhạc và lễ hội kết nối văn hóa toàn cầu
![]() |
Hòa Minzy tái hiện cảnh rước kiệu trên đê Lạc Xá trong MV Bắc Bling. |
Những con số tích cực về lượng khách quốc tế đầu năm 2025 như một tín hiệu rõ ràng cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam. Với hơn 6 triệu lượt khách trong ba tháng đầu năm – mức cao kỷ lục theo quý, cùng thành tích vượt mặt Singapore về lượng khách quốc tế trong năm 2024, Việt Nam đang khẳng định vị thế điểm đến mới hấp dẫn trong khu vực. Song, để bứt phá giữa sân chơi toàn cầu, theo Tiến sĩ Bùi Quốc Liêm – giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT, Việt Nam cần tập trung vào chiến lược xây dựng “sức mạnh mềm” từ các sản phẩm văn hóa đại chúng.
Âm nhạc và điện ảnh không còn đơn thuần là phương tiện giải trí mà đang trở thành những cánh tay nối dài để truyền tải văn hóa, cảnh quan, lối sống đến công chúng quốc tế một cách mềm mại và đầy cảm xúc. “Sức mạnh mềm là khả năng tạo ảnh hưởng thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục thay vì ép buộc. Đây là một trong những yếu tố then chốt định hình sức hút của một quốc gia”, ông Liêm nhấn mạnh.
Trong vài năm trở lại đây, những sản phẩm âm nhạc Việt Nam đã chứng minh sức lan tỏa mạnh mẽ. Ca khúc “See Tình” của Hoàng Thùy Linh không chỉ tạo trào lưu nhảy cover trên TikTok mà còn trở thành bản nhạc nền cho những video trải nghiệm Hội An của du khách quốc tế. Hình ảnh nữ ca sĩ Hàn Quốc Yena nhảy “See Tình” trên chiếc thuyền thúng tại phố cổ càng khẳng định sức hút mềm mại mà sâu sắc của âm nhạc Việt.
Không dừng lại ở đó, MV “Bắc Bling” của Hòa Minzy còn tạo nên làn sóng yêu mến rộng khắp với hơn 190 triệu lượt xem chỉ sau ba tháng, xuất hiện trên các bảng xếp hạng quốc tế như Australia, Nhật Bản hay Singapore. Tờ Nikkei đánh giá sản phẩm này không chỉ thành công về mặt nghệ thuật mà còn góp phần truyền tải vẻ đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc. Đáng chú ý, Thủ tướng Singapore Laurence Wong cũng lựa chọn bản remix của “Bắc Bling” làm nhạc nền cho đoạn video ngắn ghi lại chuyến thăm Việt Nam – một minh chứng cho khả năng gợi cảm xúc sâu sắc mà âm nhạc Việt mang lại.
Tận dụng sức hút từ âm nhạc, Bắc Ninh đã nhanh chóng phát triển các tour tham quan miễn phí cuối tuần đến những địa điểm xuất hiện trong MV, thu hút hàng trăm lượt đăng ký mỗi tuần. Đây là minh chứng rõ nét cho mối liên kết hiệu quả giữa sản phẩm văn hóa đại chúng và hoạt động quảng bá du lịch.
Việt Nam cũng dần trở thành điểm đến lý tưởng của các lễ hội âm nhạc quốc tế. Sân vận động Mỹ Đình sẽ đón các tên tuổi đình đám như G-Dragon, CL trong tháng 6, trong khi TP.HCM nằm trong lịch trình tour lưu diễn toàn cầu của nhóm Baby Monster. Trước đó, những đêm nhạc của Charlie Puth, Imagine Dragons hay Maroon 5 tại Nha Trang, Phú Quốc cũng để lại dấu ấn không nhỏ trong lòng khán giả trong và ngoài nước.
Để xây dựng hình ảnh Việt Nam như một trung tâm du lịch âm nhạc sôi động, cần có chiến lược dài hơi trong việc tổ chức các sự kiện đa dạng, từ nhạc pop đến âm nhạc truyền thống. Lịch trình các sự kiện âm nhạc toàn quốc được quảng bá rộng rãi sẽ mở ra phân khúc du khách mới – những người không chỉ yêu nhạc mà còn khát khao đắm mình vào văn hóa địa phương sống động. Bên cạnh đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện thủ tục visa sẽ là bước đi cần thiết để giữ chân du khách.
Điện ảnh mở ra cánh cửa du lịch mới
![]() |
Sau khi phim “Kong: Đảo đầu lâu” ra mắt, nhiều du khách đã tìm đến các địa điểm quay phim này ở tỉnh Ninh Bình. |
Bên cạnh âm nhạc, điện ảnh cũng đang cho thấy tiềm năng trở thành cầu nối văn hóa mạnh mẽ giữa Việt Nam và thế giới. Khái niệm “du lịch điện ảnh” vốn đã phổ biến ở nhiều quốc gia đang dần được chú ý hơn tại Việt Nam. Không ít địa điểm quay phim trên thế giới đã trở thành điểm đến du lịch nổi bật, nơi du khách đến để sống lại khung cảnh trong các bộ phim yêu thích.
Tiến sĩ Bùi Quốc Liêm đánh giá Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi cách Hàn Quốc biến điện ảnh thành đòn bẩy du lịch, từ việc thiết lập tour tham quan các địa điểm quay phim cho đến tạo dựng trải nghiệm văn hóa xoay quanh phim ảnh. Một ví dụ mới đây là bộ phim “Khi cuộc đời cho bạn quả quýt” (When Life Gives You Tangerines) ra mắt tháng 3, đã giúp hồi sinh ngành du lịch tại đảo Jeju, Hàn Quốc. Cục Xúc tiến du lịch Jeju nhanh chóng ra mắt các hành trình khám phá đảo dựa trên những điểm xuất hiện trong phim, khiến lượng khách tăng mạnh sau giai đoạn ảm đạm hậu dịch bệnh.
Với Việt Nam, điều cần thiết là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành điện ảnh và ngành du lịch. Các chính sách hỗ trợ đoàn làm phim, từ lựa chọn bối cảnh đến truyền thông và xúc tiến du lịch song hành với phát hành phim, sẽ là chìa khóa để tối ưu hiệu quả quảng bá điểm đến. Việc giới thiệu các bộ phim Việt giàu bản sắc tại các liên hoan phim quốc tế và trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu sẽ tạo cơ hội để công chúng nước ngoài tiếp cận và khơi gợi mong muốn khám phá đất nước hình chữ S.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Châu Á – Tổng giám đốc Oxalis Adventure, cho rằng để khai thác hiệu quả điện ảnh cho du lịch, cần có các chương trình tài trợ từ nhà nước hoặc doanh nghiệp cho những dự án phim gắn liền với quảng bá điểm đến. Việc đầu tư có thể không chỉ giới hạn ở phim trường mà còn mở rộng ra các hoạt động xoay quanh bộ phim, từ sự kiện ra mắt đến sản phẩm du lịch đồng hành.
Bài học từ phim "Kong: Đảo đầu lâu" (2017) cho thấy, dù bộ phim có sức lan tỏa toàn cầu, nếu ngành du lịch không kịp thời nắm bắt và tạo dựng sản phẩm phù hợp, hiệu ứng đó sẽ dần phai nhạt. “Phim ảnh chỉ tạo ra nhận thức. Việc chuyển hóa thành hành động – tức là kéo khách đến – phải là trách nhiệm của ngành du lịch chứ không thể trông chờ vào đoàn phim”, ông Nguyễn Châu Á khẳng định.