Quảng Ninh cần chú trọng phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản |
Du lịch di sản bứt phá nhờ cách làm bài bản
![]() |
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) thu hút du khách, đem lại sinh kế cho hàng ngàn lao động địa phương. |
Một trong những hình mẫu tiêu biểu cho phát triển du lịch di sản thành công chính là Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) – di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trong năm 2024, ngành du lịch Ninh Bình đón khoảng 8,7 triệu lượt khách, thu về hơn 9.100 tỷ đồng, trong đó Tràng An chiếm tỷ trọng lớn. Sự phát triển vượt bậc này là kết quả của cách làm bài bản, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển sinh kế cộng đồng, khai thác du lịch nhưng vẫn gìn giữ cảnh quan và giá trị văn hóa – tự nhiên.
Tại Hà Nội, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận du khách. Những sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ như tour đêm kết hợp trình chiếu 3D Mapping không chỉ tạo thêm giá trị trải nghiệm mà còn giảm tải cho ban ngày, giúp phân bổ lượng khách hợp lý và bền vững.
Nhiều địa phương khác như Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình cũng cho thấy tư duy mới trong phát triển du lịch di sản. TS Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch cho biết, các địa phương này đã chủ động khảo sát, thống kê nguồn lực di sản, lập hồ sơ bài bản, từ đó xây dựng định hướng phát triển kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để du lịch không chỉ phát triển ngắn hạn mà còn duy trì lâu dài, hài hòa với môi trường và cộng đồng.
TS Hoàng Thị Điệp – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cũng nhấn mạnh rằng một phần doanh thu từ hoạt động du lịch di sản cần được tái đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phục dựng di tích. Đây chính là “lợi ích kép” của du lịch văn hóa: tạo nguồn lực kinh tế và củng cố bảo tồn lâu dài.
Không đánh đổi di sản để đổi lấy lợi ích ngắn hạn
![]() |
Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận du khách. |
Tuy vậy, bài toán phát triển du lịch di sản cũng đặt ra không ít thách thức. Tại nhiều nơi, lượng du khách tăng nhanh chóng khiến hạ tầng quá tải, cảnh quan xuống cấp, thậm chí dẫn đến hiện tượng “du lịch hóa” không gian di sản – nơi những giá trị văn hóa dần bị thương mại hóa, mất đi tính nguyên bản và chiều sâu.
TS. Trần Hữu Sơn khẳng định, điều cần thiết hiện nay là kiên định nguyên tắc phát triển bền vững, tuyệt đối không đánh đổi di sản lấy lợi nhuận ngắn hạn. Bài học từ các địa phương phát triển ồ ạt rồi phải trả giá bằng sự xuống cấp của di tích, mất mát về giá trị văn hóa không thể xem nhẹ. Việc giao quyền khai thác di sản cho doanh nghiệp nếu không có sự giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến nguy cơ khai thác quá mức, đặt lợi nhuận lên trên giá trị lịch sử - văn hóa. Chính vì vậy, việc ban hành quy định chi tiết về ứng xử với di sản, giới hạn hoạt động thương mại trong phạm vi cho phép là điều rất cần thiết.
ThS. Nguyễn Đắc Tới – nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển) cho rằng, giải pháp bảo tồn cần bắt đầu từ quy hoạch tổng thể khu di sản, xác định rõ sức chứa, giới hạn lượng khách theo khung thời gian, đồng thời ứng dụng công nghệ như vé điện tử, đặt chỗ trước, hệ thống camera giám sát. Các công trình phục vụ du lịch phải được kiểm soát nghiêm ngặt về thiết kế, quy mô để không phá vỡ tổng thể kiến trúc và cảnh quan gốc.
Bên cạnh đó, cần phân luồng khách khoa học, tổ chức tour theo chủ đề, phát triển điểm đến vệ tinh để giảm áp lực lên khu trung tâm. Đồng thời, việc nâng cao ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng và lực lượng làm du lịch cũng vô cùng quan trọng. Đào tạo hướng dẫn viên am hiểu văn hóa – lịch sử, khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào công tác quản lý và hưởng lợi từ di sản sẽ tạo nên mô hình bền vững.
Hiện cả nước đã kiểm kê khoảng 40.000 di tích, trong đó có hơn 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt và 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa – lịch sử to lớn, nhưng cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội trong việc gìn giữ và phát huy. Việc phát triển du lịch dựa trên nền tảng di sản không thể chỉ dựa vào ngắn hạn và lợi ích trước mắt. Đó là một hành trình lâu dài, đòi hỏi chiến lược bài bản, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Chỉ như vậy, di sản mới thực sự sống động trong đời sống đương đại và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển bền vững của đất nước.