Tạo "cú hích" cho kinh tế tư nhân: Trình cơ chế đặc thù ngay trong tháng 5 Nghị quyết 68 chắp cánh thương hiệu Việt |
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân - Ảnh VGP |
Phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị sáng 18/5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra thông điệp chỉ đạo quan trọng, khẳng định đây là thời điểm bản lề của lịch sử, đòi hỏi đổi mới tư duy và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị.
Bốn nghị quyết – Một bộ tứ chiến lược
Theo Tổng Bí thư, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại: Kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế quốc tế ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay đang chứng kiến những chuyển biến sâu sắc chưa từng có về địa chính trị, địa kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu và an ninh phi truyền thống.
“Những chuyển động này vừa tạo thách thức, vừa mở ra cơ hội. Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không, sẽ rơi vào hoàn cảnh ‘trâu chậm uống nước đục’”, Tổng Bí thư lưu ý.
Trước tình hình đó, Đảng đã ban hành bốn nghị quyết quan trọng – được Tổng Bí thư gọi là “Bộ tứ trụ cột” – nhằm tạo nền tảng thể chế vững chắc, thúc đẩy các động lực mới cho phát triển đất nước: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là động lực chiến lược của nền kinh tế.
“Đến thời điểm hiện nay có thể gọi bốn Nghị quyết trên là ‘Bộ tứ trụ cột’ để giúp chúng ta cất cánh”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. Đây là bước đi quyết định để hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Tám nhiệm vụ trọng tâm triển khai ngay trong năm 2025
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi thời gian hiện thực hóa mục tiêu 2045 chỉ còn hai thập niên phía trước. Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội vàng.
Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện tám nhiệm vụ trọng tâm, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá. Trước hết là nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện bốn nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Đồng thời, cần lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ. Song song đó là việc khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW.
Chúng ta cũng cần khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt và triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox. Bên cạnh đó, việc tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới và chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới là bước đi then chốt nhằm tận dụng các cam kết hội nhập để chuyển hóa thành tăng trưởng thực tế.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị - Ảnh: VGP |
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được xác định là nhiệm vụ đột phá, với yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn. Cùng với đó là việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; thành lập các Ban chỉ đạo chuyên trách cấp Trung ương và cấp tỉnh; bảo đảm cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Để triển khai nghị quyết hiệu quả, cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên sâu về pháp luật hiện đại, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và quản trị doanh nghiệp; đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có tư duy đổi mới, năng lực số và khả năng thích ứng toàn cầu. Truyền thông và tạo đồng thuận xã hội cũng là nhiệm vụ thiết yếu: xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia về từng nghị quyết; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và giới trí thức, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai.
Gương mẫu đi đầu, biến khát vọng thành hành động
Tổng Bí thư nhấn mạnh, lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển; cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, Ban Chấp hành Trung ương hiện nay là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (tháng 9/2024) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm để giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, mở ra không gian phát triển mới. Việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp lại đơn vị hành chính đã được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân đồng tình, coi đây là một cuộc cách mạng trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm tin tưởng rằng, với truyền thống anh hùng, trí tuệ và khát vọng vươn lên, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững. Mỗi tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới – Khát vọng – Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu vào năm 2045.
![]() |
![]() |