Phát triển sản phẩm thiên nhiên: Cơ hội từ Nghị quyết 68 Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làn sóng AI: Cơ hội từ Nghị quyết 68 |
![]() |
Anh hùng Lao động Thái Hương – Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH vừa khai trương Nhà máy chế biến sữa tươi sạch công nghệ cao tại tỉnh Kaluga, Liên bang Nga. |
Doanh nhân – chiến sĩ trên mặt trận kinh tế
Lần đầu tiên trong một văn kiện tầm chiến lược, Nghị quyết 68 nhấn mạnh: “Tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng với đóng góp của doanh nhân Việt Nam trong suốt hành trình phát triển đất nước, mà còn là lời hiệu triệu cho một thế hệ doanh nhân mới – những người mang trong mình tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội.
Không chỉ khẳng định vị thế, Nghị quyết còn đề cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội”. Đây là nền tảng để hình thành lớp doanh nhân dẫn dắt doanh nghiệp Việt bước ra thế giới bằng thương hiệu, trí tuệ và giá trị bền vững.
Go Global – Vươn ra thị trường quốc tế
Đặt ra mục tiêu rõ ràng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết 68 định hình lộ trình phát triển đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân, với ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế tư nhân được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 10 – 12% mỗi năm, đóng góp 55 – 58% GDP, tạo việc làm cho 84 – 85% tổng số lao động xã hội.
![]() |
CEO Lương Hoài Nam: Bamboo Airways liên tục dẫn đầu ngành về tỷ lệ bay đúng giờ. |
Tầm nhìn đến năm 2045, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp trên 60% GDP, với ít nhất 3 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, Nghị quyết đề ra các chương trình hành động cụ thể như: phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ cao, và triển khai chương trình “Go Global” – hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế thông qua các chính sách về vốn, công nghệ, thương hiệu, logistics, tư vấn pháp lý và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Thương hiệu Việt – Từ khát vọng đến hiện thực
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế bằng chính năng lực nội tại và chiến lược bài bản.
Tập đoàn TH với thương hiệu “TH true MILK” là biểu tượng cho xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bền vững. Khẳng định tầm nhìn quốc tế của thương hiệu Việt, Anh hùng Lao động Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH – chia sẻ: “Chúng tôi mang tri thức Việt, công nghệ Việt, giá trị Việt đến với thế giới. Đằng sau mỗi sản phẩm là triết lý 'vì sức khỏe cộng đồng' và khát vọng xây dựng thương hiệu quốc gia một cách thực chất.”
Tập đoàn Sơn Hà cũng là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần tự lực, đổi mới và phát triển bền vững. Từ doanh nghiệp cơ khí dân dụng, Sơn Hà đã phát triển thành tập đoàn kinh tế đa ngành với 11 nhà máy trong và ngoài nước, hơn 30.000 điểm bán hàng và xuất khẩu sản phẩm sang 35 quốc gia. Khát vọng vươn tầm và văn hóa đổi mới đã tạo nên nền tảng cho bước tiến mạnh mẽ. Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn – từng khẳng định: “Mỗi thành viên của Sơn Hà đều mang trong mình một sức mạnh tiềm ẩn. Khi mỗi người thay đổi, cả tổ chức sẽ thay đổi. Đó là cách chúng tôi tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững.”
![]() |
Ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà tại tọa đàm của Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI). |
Bamboo Airways – hãng hàng không của sự hiếu khách – không ngừng mở rộng mạng bay liên vùng, kết nối các điểm đến tiềm năng, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Hãng hiện nằm trong nhóm ba hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, với ba thế mạnh nổi bật: tỷ lệ bay đúng giờ liên tục dẫn đầu dẫn đầu ngành, dịch vụ chất lượng cao từ tâm, và mạng bay tăng trưởng mạnh mẽ.
Viettel là biểu tượng tiêu biểu cho năng lực công nghệ và khả năng cạnh tranh toàn cầu của doanh nghiệp Việt. Với hoạt động tại hơn 10 quốc gia, Viettel không chỉ mang lại doanh thu lớn mà còn góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ cao.
Cùng với đó, các thương hiệu lớn trong lĩnh vực ngân hàng như BAC A BANK, HDBank… không ngừng tăng trưởng bền vững, bứt phá mạnh mẽ, chủ động triển khai các định hướng lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng này cũng tích cực huy động nguồn lực tài chính cho những lĩnh vực giữ vai trò nền tảng trong tăng trưởng dài hạn, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
![]() |
HDBank luôn chủ động triển khai các định hướng lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. |
Điểm chung nổi bật của các thương hiệu mạnh đang thành công trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu Việt chính là tầm nhìn chiến lược, khát vọng vươn lên toàn cầu, khả năng quản trị hiện đại, hướng đến phát triển bền vững và năng lực đổi mới không ngừng. Đằng sau các thương hiệu đó là những CEO giỏi, những doanh nhân tinh hoa của thời đại – những người không ngừng nghỉ gieo khát vọng vinh quang thương hiệu Việt, hiện thực hóa Nghị quyết 68 bằng chính hành động và kết quả thực tiễn.
Nghị quyết 68 không chỉ là bản thiết kế tổng thể cho phát triển kinh tế tư nhân mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để thương hiệu Việt trỗi dậy trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu. Khi chính sách đã mở đường, khi khát vọng doanh nhân đang bừng cháy, điều cần lúc này là sự đồng lòng, đổi mới tư duy và hành động quyết liệt để từng sản phẩm, từng doanh nghiệp mang thương hiệu Việt có thể sánh vai với những thương hiệu hàng đầu thế giới. Đó chính là con đường bền vững và tự hào để “Chắp cánh thương hiệu Việt”.
![]() |
![]() |