![]() |
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ giờ đây có thể dễ dàng khai thác AI trong công việc hàng ngày. |
AI không còn là đặc quyền của các “ông lớn”
Trước đây, trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn thường được nhìn nhận như công nghệ dành riêng cho các tập đoàn lớn, với chi phí đầu tư và vận hành cao. Nhưng với sự ra đời của các nền tảng AI mở như ChatGPT của OpenAI, Google Bard, Bing Chat và những công cụ AI khác, mọi ranh giới đang dần được xóa mờ. Các SMEs giờ đây có thể dễ dàng khai thác AI trong công việc hàng ngày như viết nội dung truyền thông, xây dựng kịch bản bán hàng, tạo báo cáo, chăm sóc khách hàng hay hỗ trợ đào tạo nhân sự.
Thực tế ghi nhận, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam đã bắt đầu đưa các công cụ chatbot AI như ChatGPT, Google Bard vào sử dụng để tối ưu hoá chi phí nhân sự và tăng tốc độ xử lý công việc. Một số startup còn xem các nền tảng này như “trợ lý sáng tạo” hỗ trợ lên ý tưởng, lập kế hoạch truyền thông hoặc dựng video ngắn cho TikTok Shop.
Cơ hội mới từ định hướng chính sách
Điểm nhấn quan trọng trong Nghị quyết số 68 là sự khẳng định rõ ràng vai trò trung tâm của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ: “Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân”.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng yêu cầu: “Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hoá, tiền mã hoá, thương mại điện tử...”
![]() |
Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy các mô hình kinh doanh ứng dụng AI – dù mới hay truyền thống – đều có thể được thừa nhận và tạo điều kiện phát triển nếu phù hợp với khuôn khổ pháp luật sắp tới. Đây cũng là hành lang quan trọng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ yên tâm đầu tư ứng dụng công nghệ trong dài hạn.
Không ít doanh nghiệp nhỏ đang từng bước tận dụng AI để nâng cao hiệu quả vận hành. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các nền tảng AI như ChatGPT và Google Bard để viết nội dung quảng cáo, sáng tạo slogan, trả lời tin nhắn tự động trên mạng xã hội. Nhờ đó, tiết kiệm tới 60% chi phí thuê ngoài và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Tương tự, trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều nhà bán hàng cá nhân đang kết hợp Shopee Live, TikTok Shop với công cụ AI để tạo nội dung, phân tích hành vi khách hàng và tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi. Sự kết hợp này đang dần định hình thói quen kinh doanh mới cho các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ vốn trước kia chủ yếu hoạt động thủ công, thiếu tính hệ thống.
Điểm nghẽn và chìa khoá của doanh nghiệp
![]() |
Chính sách đã mở đường, công cụ đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là sự chủ động của doanh nghiệp. |
Dù tiềm năng đã mở ra, nhưng hành trình đưa AI đến với SMEs vẫn còn không ít rào cản. Thứ nhất là thiếu kiến thức công nghệ nền tảng. Không ít chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn lúng túng khi tiếp cận AI, từ việc không biết bắt đầu từ đâu đến cách lựa chọn công cụ phù hợp. Thứ hai là lo ngại về bảo mật và pháp lý, nhất là khi AI còn là lĩnh vực chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể trong một số tình huống sử dụng.
Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức số và hỗ trợ kỹ thuật là ba yếu tố sống còn để công nghệ trở thành công cụ phổ cập thay vì đặc quyền. Nghị quyết số 68 đã đặt ra nền tảng chính sách, nhưng để đi vào thực tiễn, cần có sự vào cuộc của các tổ chức trung gian, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp công nghệ và cả chính quyền địa phương.
Một đề xuất mang tính khả thi là xây dựng mạng lưới “huấn luyện viên số” hoặc trung tâm hỗ trợ công nghệ cho SMEs tại các tỉnh, thành. Mô hình này có thể phối hợp giữa doanh nghiệp lớn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và cơ quan quản lý, nhằm tạo ra những gói công cụ, tài liệu hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng.
Bên cạnh đó, các chương trình thử nghiệm chính sách (sandbox) trong lĩnh vực AI, công nghệ tài chính, thương mại điện tử cũng nên được nghiên cứu triển khai. Đây sẽ là những không gian pháp lý linh hoạt để doanh nghiệp nhỏ mạnh dạn đổi mới mà không quá lo ngại rủi ro pháp lý trong giai đoạn đầu thử nghiệm.
Chính sách đã mở đường, công cụ đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là sự chủ động của doanh nghiệp. Việc ứng dụng các nền tảng AI như ChatGPT, Google Bard hay Bing Chat không nhất thiết phải khởi động từ dự án lớn. Chỉ cần một thay đổi nhỏ – như tự động hóa phản hồi email, lên nội dung bán hàng theo gợi ý AI – cũng đủ tạo ra hiệu quả rõ rệt trong vận hành.
Với nhiều giải pháp đột phá, mang tính mang tính mở đường như Nghị quyết số 68-NQ/TW, nếu biết tận dụng đúng lúc, SMEs hoàn toàn có thể bứt phá và tạo ra bước nhảy vọt – không chỉ về công nghệ mà còn về tư duy kinh doanh để thành công như mục tiêu của Nghị quyết 68.
![]() |
![]() |