![]() |
Thu hoạch chè ô long tại Sa Pa. Ảnh: Tiến Luyến |
Mở hành lang pháp lý cho sản phẩm thiên nhiên
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững”.
Trong Nghị quyết 68, Bộ Chính trị xác lập vai trò tiên phong của kinh tế tư nhân trong khoa học, đổi mới sáng tạo – một bước ngoặt tư duy có ý nghĩa đặc biệt đối với các lĩnh vực dựa trên giá trị bản địa như sản phẩm thiên nhiên.
Đối với ngành sản phẩm thiên nhiên – nơi hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã đang khai thác tiềm năng từ dược liệu, thảo mộc, thực phẩm, mỹ phẩm thiên nhiên – thì định hướng này là bước mở cửa cần thiết. Tuy nhiên, rào cản lớn hiện nay không chỉ nằm ở tư duy mà còn ở thể chế, pháp luật còn bất cập, thiếu khung pháp lý đặc thù, thiếu cơ chế hỗ trợ đầu tư và phát triển thương hiệu.
Nghị quyết 68 nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách; có cơ chế đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ cam kết quốc tế; nâng cấp chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đây chính là cánh cửa pháp lý để thúc đẩy các mô hình ngày càng phổ biến như: canh tác dược liệu theo chuẩn GACP-WHO, sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên tuần hoàn, chế biến sâu sản phẩm OCOP từ tài nguyên bản địa.
Chuẩn hóa và công nhận mô hình sản phẩm thiên nhiên không chỉ tăng sức cạnh tranh mà còn bảo tồn tri thức bản địa, khai thác tài nguyên bền vững – điều mà Hàn Quốc, Ấn Độ hay Trung Quốc đã thực hiện thành công.
Khoa học và công nghệ: Nền tảng tạo đột phá
![]() |
Vùng nguyên liệu phát triển các sản phẩm thiên nhiên của Tập đoàn TH đạt chuẩn hữu cơ châu Âu, Mỹ. Ảnh: TH |
Bên cạnh hành lang pháp lý, một nền tảng không thể thiếu để nâng cao giá trị sản phẩm thiên nhiên là khoa học – công nghệ. Nghị quyết 68 đặt mục tiêu: đến năm 2030, kinh tế tư nhân “là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng”.
Muốn vượt qua giới hạn của mô hình thủ công, sản phẩm thiên nhiên cần công nghệ chiết xuất hiện đại, bảo tồn gene quý hiếm, phân tích hoạt tính sinh học, tiêu chuẩn hóa và số hóa truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện để đảm bảo chất lượng, độ an toàn và đủ chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Theo GS.TS Phạm Văn Thiêm – Chủ tịch Hội Khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam – các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được giới khoa học quan tâm do tiềm năng ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực. Ông cũng cho biết, với cương lĩnh “Thiên nhiên là cuộc sống”, Hội luôn đồng hành với nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu – phát triển sản phẩm tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và gắn kết con người với thiên nhiên.
Quan điểm này phù hợp với định hướng của Đảng khi Nghị quyết 68 chỉ rõ: “Nhà nước ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ ươm tạo cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao các công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp”.
Hướng đến kinh tế xanh và tuần hoàn
Phát triển sản phẩm thiên nhiên là một trụ cột quan trọng trong mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn – hướng đi tất yếu được Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn là yêu cầu khách quan nhằm thực hiện cam kết khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững.
Tập đoàn TH là ví dụ tiêu biểu trong việc hiện thực hóa mô hình này, với hệ sinh thái sản phẩm sạch khép kín: từ trồng trọt hữu cơ, chiết xuất thảo mộc đến bao bì phân hủy sinh học. Mô hình không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, đúng với tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”.
![]() |
Trang trại cà chua hữu cơ tại Măng Đen. Ảnh: Tiến Luyến |
Nghị quyết 68 cũng đề ra yêu cầu: “Thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội”.
Đây chính là những địa bàn giàu tiềm năng về thảo mộc đặc hữu, sản phẩm bản địa nhưng lại thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu liên kết thị trường. Phát triển sản phẩm thiên nhiên tại đây không chỉ tạo sinh kế bền vững, mà còn gìn giữ tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững an ninh biên giới và thúc đẩy thương hiệu quốc gia gắn với hình ảnh “Việt Nam xanh – tự nhiên – bản sắc”.
Tận dụng cơ hội từ chính sách mới
Sự đồng bộ giữa Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 57 đang mở ra thời cơ đặc biệt để phát triển mạnh mẽ ngành sản phẩm thiên nhiên. Khi chính sách ưu tiên kinh tế tư nhân gặp gỡ chính sách ưu tiên khoa học – công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, sản phẩm thiên nhiên không chỉ là xu hướng tiêu dùng mà còn là lĩnh vực chiến lược mang lại giá trị kinh tế – văn hóa – sinh thái lâu dài.
Để hiện thực hóa cơ hội này, cần sớm xây dựng khung pháp lý đặc thù cho sản phẩm thiên nhiên, thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo và R&D chuyên ngành, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận công nghệ chiết xuất, số hóa, truy xuất nguồn gốc và bảo hộ thương hiệu. Đồng thời, cần lồng ghép sản phẩm thiên nhiên vào các chương trình quốc gia về OCOP, y học cổ truyền, nông nghiệp hữu cơ và thương hiệu quốc gia, nhằm tạo nên sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và trên thị trường quốc tế.
![]() |
![]() |