Đà Nẵng: Phát triển kinh tế đêm xứng tầm Lâm Đồng: Nhiều mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Lạt Sa Pa "đánh thức" kinh tế đêm, tham vọng đón 9 triệu khách du lịch |
Phố đi bộ trở thành không gian văn hóa sống động
![]() |
"Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025” có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa bản địa thu hút người dân đến tham quan. |
Không gian kinh tế đêm ngày càng được các địa phương đầu tư như một hướng đi mới để thu hút du khách và nâng tầm trải nghiệm cộng đồng. Không dừng lại ở các khu ẩm thực, quán nhậu hay vui chơi giải trí, ngày càng có nhiều mô hình văn hóa được đưa vào hoạt động vào buổi tối, mang đến giá trị tinh thần sâu sắc.
Tại Hà Nội, chương trình “Ngày Văn hóa Lâm Đồng tại Hà Nội năm 2025” vừa diễn ra tại không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm. Đây là chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa, con người và tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch Lâm Đồng đến với người dân Thủ đô và du khách quốc tế.
Trong ba ngày tổ chức, sự kiện mang đến nhiều trải nghiệm phong phú: diễn đàn kết nối, khu trưng bày sản phẩm OCOP, triển lãm quy hoạch phát triển tỉnh Lâm Đồng - Đà Lạt, không gian thưởng trà, trình diễn nghệ thuật, cùng các gian hàng giới thiệu đặc sản địa phương như trà B’Lao, cà phê Cầu Đất, rượu vang Đà Lạt… Không gian đậm chất cao nguyên giữa lòng Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân đến khám phá.
Ở miền núi phía Bắc, phố đi bộ Kim Đồng (Cao Bằng) trở thành điểm hẹn văn hóa hấp dẫn với những màn trình diễn nghệ thuật truyền thống như hát Then, đàn tính của người Tày, Nùng, cùng các điệu múa dân gian của người Dao, Mông. Du khách không chỉ được hòa mình vào nghệ thuật dân gian sống động mà còn có dịp chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công truyền thống và thưởng thức đặc sản như hạt dẻ, xôi trám, thịt lợn quay lá mắc mật... Mỗi góc phố như một “ngôi nhà văn hóa” thu nhỏ, lưu giữ câu chuyện về đời sống và tâm hồn người bản địa.
Tại Hà Nội, nhiều di tích lịch sử cũng đang “sống dậy” về đêm. Các điểm đến như Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút người dân cuối tuần với các hoạt động như tham quan ban đêm, giải mật thư, xem trình diễn nghệ thuật trong không gian giàu tính lịch sử.
Trong khi đó, TP.HCM gây ấn tượng với tuyến xe buýt hai tầng mang tên “Không ngủ ở Sài Gòn”, đưa du khách tham quan thành phố từ 23h đêm đến 7h sáng. Hành trình đi qua 30 tuyến đường và gần 20 điểm tham quan nổi bật như chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhà thờ Đức Bà, phố Tây Bùi Viện... mang đến cái nhìn sinh động về một đô thị năng động suốt đêm.
Ứng dụng công nghệ thắp sáng bản sắc văn hóa
![]() |
Trình chiếu phim 3D mapping “Câu chuyện Đà Nẵng- The story of Da Nang”. |
Cùng với nội dung phong phú, nhiều địa phương đang tích cực ứng dụng công nghệ để làm mới các hoạt động văn hóa đêm. Tại Bảo tàng Đà Nẵng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chương trình trình chiếu 3D mapping “Câu chuyện Đà Nẵng - The Story of Da Nang” đã chính thức ra mắt.
Với công nghệ ánh sáng hiện đại, chương trình tái hiện sinh động những câu chuyện dân gian, huyền sử và các dấu ấn lịch sử của thành phố bên sông Hàn. Từ điển tích về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đến trận chiến đèo Hải Vân và hình ảnh về quần đảo Hoàng Sa… tất cả được khắc họa sinh động trên nền tường của bảo tàng. Đây là lần đầu tiên hệ thống máy chiếu PT-RQ 50K hiện đại nhất Đông Nam Á, từng được sử dụng tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 và chương trình Tokyo Night & Light 2024, được đưa vào vận hành tại Việt Nam.
Tại TP.HCM, chuỗi hoạt động văn hóa - thể thao - công nghệ mang tên “Sắc màu thành phố Bác” đã diễn ra trong dịp tháng 4 vừa qua, nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Các sự kiện được tổ chức tại nhiều địa điểm trung tâm như trước trụ sở HĐND và UBND TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ… Chương trình gây ấn tượng với các màn trình diễn ánh sáng mapping, hòa nhạc giao hưởng, hợp xướng, đờn ca tài tử, thuyền hoa đăng, thể thao dưới nước và đặc biệt là trình diễn drone kết hợp pháo hoa nghệ thuật.
Sự kết hợp giữa công nghệ trình diễn hiện đại với giá trị truyền thống đang tạo ra điểm nhấn khác biệt cho các hoạt động kinh tế đêm tại Việt Nam. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, các địa phương có thể mạnh dạn ứng dụng thêm những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), robot tương tác, thực tế ảo (VR)… nhằm “thổi hồn” vào di sản, đưa văn hóa đến gần hơn với cộng đồng và du khách.