Cơ hội mới cho du lịch hậu sáp nhập Đánh thức tiềm năng du lịch đêm Việt Nam Đưa du lịch tàu biển thành ngành mũi nhọn |
Sản phẩm xanh chưa đồng đều chất lượng
![]() |
Du lịch hè 2025 đang bùng nổ với nhiều tour đa đạng, chương trình phong phú để khách lựa chọn. |
Mùa hè 2025 đã mở ra một bức tranh tươi sáng cho ngành du lịch Việt Nam với sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường nội địa. Nhưng khác với giai đoạn kích cầu đại trà những năm trước, các doanh nghiệp lữ hành hiện đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc sản phẩm và thương hiệu theo hướng du lịch xanh và bền vững. Từ những tour cá nhân hóa gắn với thiên nhiên, cho đến hành trình du thuyền quốc tế cao cấp, thị hiếu khách hàng đang dịch chuyển sang các giá trị thân thiện môi trường, cảm xúc và trải nghiệm gắn kết. Tuy nhiên, cùng với tín hiệu tích cực, vẫn tồn tại những thách thức về tính đồng bộ, chất lượng và bản sắc của sản phẩm xanh tại Việt Nam.
Bắt đầu từ tháng 5/2025, hàng loạt doanh nghiệp du lịch lớn đã chính thức khởi động mùa cao điểm với chiến dịch kích cầu quy mô lớn. Những cái tên quen thuộc như Saigontourist, Vietravel, Du lịch Việt hay TST Tourist đều đồng loạt tung ra chương trình khuyến mãi gắn với thông điệp xanh: giảm giá nhóm, tặng quà, tăng trải nghiệm tự chọn... Trong đó, các điểm đến biển đảo như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn và Hạ Long tiếp tục dẫn đầu xu hướng với lợi thế khí hậu, hạ tầng và thiên nhiên.
Tuy nhiên, bên dưới lớp vỏ chương trình kích cầu là sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp có chiến lược sản phẩm dài hơi và nhóm chỉ chạy theo thị hiếu nhất thời. Một số tour được gắn mác “du lịch xanh” nhưng thực tế vẫn là hình thức tiêu chuẩn, không thay đổi nội dung, thiếu tính tương tác với văn hóa – môi trường – cộng đồng địa phương. Trong khi đó, nhiều tour khác đi sâu vào cấu trúc trải nghiệm: nghỉ dưỡng sinh thái, tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực bản địa và giảm thiểu rác thải nhựa.
Chẳng hạn, chương trình du thuyền quốc tế Star Voyager do một công ty lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức, không chỉ dừng lại ở hành trình sang trọng mà còn chú trọng trải nghiệm xanh và văn hóa xuyên quốc gia. Du khách vừa tham quan Singapore, vừa được tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường biển, đồng thời thưởng thức đêm nhạc và giải trí trên tàu. Đây được xem là bước tiến đáng kể khi kết hợp giữa sản phẩm cao cấp và xu hướng du lịch bền vững, mở ra hướng đi cho dòng khách trung lưu – thượng lưu nội địa.
Tái cấu trúc thương hiệu từ du lịch bền vững
![]() |
Du khách khám phá cảnh sắc Ninh Bình mới trong hành trình du lịch xanh gắn với di sản, văn hóa và trải nghiệm bản địa do Saigontourist tổ chức. |
Theo ông Phan Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, mùa hè năm nay thị trường nội địa ghi nhận mức tăng trưởng khách khoảng 15 – 20% so với cùng kỳ, bất chấp giá vé máy bay cao kỷ lục trong 5 năm. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch chưa hề giảm mà chỉ đang đòi hỏi nội dung và hình thức khác biệt hơn, đặc biệt với nhóm khách trẻ, gia đình trẻ và nhóm doanh nghiệp đi team-building.
Chính vì vậy, yếu tố “sản phẩm xanh” giờ không còn là lựa chọn phụ trợ mà trở thành yếu tố phân biệt đẳng cấp thương hiệu. Những thương hiệu du lịch xây dựng được hệ sinh thái sản phẩm gắn với môi trường, văn hóa và cảm xúc đang chiếm ưu thế cạnh tranh rõ rệt. Tour “Tự hào Việt Nam” của Saigontourist là một ví dụ, khi kết hợp các sự kiện lịch sử – văn hóa mừng 80 năm Quốc khánh với hành trình khám phá Hà Nội, Ninh Bình mới, Hạ Long, Sa Pa… đã tạo ra sức hút đặc biệt đối với du khách yêu thích du lịch tinh thần.
Thống kê sơ bộ cho thấy, các sản phẩm cá nhân hóa và hướng đến trải nghiệm sâu – như “du lịch chậm”, “du lịch nghỉ dưỡng sinh thái” và “du lịch kết nối gia đình” – đang tăng trưởng gấp 1,5 – 2 lần so với tour truyền thống. Đồng thời, nền tảng Agoda cũng ghi nhận Nha Trang là điểm đến lý tưởng hàng đầu tại Việt Nam cho hình thức du lịch chậm – slow travel, nhờ sở hữu biển đẹp, nhịp sống thư thái và hệ sinh thái giải trí – trị liệu – văn hóa bản địa ngày càng hoàn thiện.
Theo ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc quốc gia Agoda Việt Nam, du lịch chậm – slow travel không phải là trào lưu nhất thời mà là phong cách sống lâu dài, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hậu COVID. Khi khách hàng coi trọng cảm xúc, sự kết nối và tính thân thiện với môi trường, đó cũng là lúc thương hiệu du lịch buộc phải chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, từ khai thác sang bảo tồn – sáng tạo.
Muốn làm được điều đó, các công ty lữ hành cần vượt qua ba thách thức lớn: định vị rõ phân khúc khách hàng, thiết kế chuỗi trải nghiệm gắn với bản sắc, và đầu tư vào hệ thống vận hành xanh (giảm nhựa, tăng năng lượng sạch, hợp tác với cộng đồng địa phương...). Không phải tất cả đều có thể làm ngay, nhưng ai bắt đầu sớm sẽ có lợi thế dẫn đầu trong tương lai gần.
Hè 2025 là cột mốc đáng nhớ với ngành du lịch Việt, không chỉ vì sự phục hồi lượng khách, mà còn vì sự dịch chuyển tư duy sản phẩm. Trong đó, “xanh” không còn là màu sắc mà đã trở thành chiến lược cốt lõi. Mỗi doanh nghiệp chọn một con đường, nhưng tất cả đều đang đứng trước ngã rẽ quan trọng – hoặc trở thành thương hiệu bền vững, hoặc mãi chỉ là đơn vị tổ chức tour mùa vụ.