Đánh thức tiềm năng du lịch đêm Việt Nam Đưa du lịch tàu biển thành ngành mũi nhọn Du lịch xanh trở thành chiến lược thương hiệu mới |
Liên kết vùng tạo động lực tăng trưởng mới
![]() |
Côn Đảo – một điểm đến tiềm năng được kết nối thuận tiện hơn trong không gian du lịch liên vùng của TP.HCM mới sau sáp nhập. |
TP.HCM mới (được sáp nhập từ TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) là ví dụ điển hình về mô hình du lịch tích hợp. Từ một trung tâm kinh tế - xã hội lớn, địa phương này đã vươn lên trở thành vùng du lịch đa dạng: từ du lịch đô thị, công nghiệp, nghỉ dưỡng biển cao cấp đến du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận định: “Hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nhất là khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, thời gian di chuyển giữa các điểm trong vùng chỉ còn 30–45 phút. Điều này mở ra cơ hội phát triển các tour city break, nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch theo hành lang giao thông.”
Nhiều địa phương khác cũng nhanh chóng khẳng định vị thế mới trong bản đồ du lịch. Khánh Hòa mới (được sáp nhập từ Khánh Hòa và Ninh Thuận) có lợi thế đặc biệt để mở rộng bản đồ nghỉ dưỡng biển. Trong khi đó, Lâm Đồng mới (gồm Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận) đang hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp cao nguyên – biển đảo. Ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quý, chia sẻ: “Việc Phú Quý trở thành đặc khu có tính đặc thù sẽ là lực đẩy quan trọng, nhất là trong phát triển hạ tầng du lịch biển đảo – lĩnh vực vốn còn nhiều dư địa.”
Tại miền Bắc, Ninh Bình mới (được sáp nhập từ Ninh Bình, Nam Định và Hà Nam) đang nổi lên như cụm du lịch văn hóa – tâm linh trọng điểm. Chỉ riêng Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm 2025 đã đón hơn 7,2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1 triệu khách quốc tế – minh chứng rõ ràng cho sức hút của những điểm đến đặc sắc như Tràng An – Bái Đính, Hang Múa hay các quần thể đền miếu cổ kính.
Không chỉ mở rộng không gian, sáp nhập tỉnh còn đơn giản hóa thủ tục hành chính – yếu tố vốn từng là rào cản cho doanh nghiệp lữ hành. Ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết: “Chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ hệ thống tour, điều chỉnh tên địa danh, đồng thời xây dựng nhiều sản phẩm liên vùng mới. Việc quản lý tập trung giúp các thủ tục trở nên nhanh gọn hơn, đặc biệt thuận lợi cho tour liên tuyến, nghỉ ngắn ngày hoặc city break cuối tuần.”
Một điểm sáng khác là thị trường nội vùng mở rộng đáng kể sau sáp nhập. Tại TP.HCM mới, với quy mô dân số gần 14 triệu người, nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí đang tăng nhanh, nhất là từ tầng lớp trung lưu. Khi được hỗ trợ bởi hạ tầng cao tốc, cảng biển và sân bay Long Thành, các điểm đến như Côn Đảo, Hồ Tràm, Phú Mỹ hay Thủ Dầu Một sẽ dễ dàng tiếp cận trong vài giờ. Bà Nguyễn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Six Senses Côn Đảo, đánh giá: “Việc lồng ghép Côn Đảo vào chiến dịch truyền thông chung giúp tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả hơn, đồng thời mở ra cơ hội tối ưu chuỗi cung ứng và thu hút nhân lực chất lượng cao.”
Giải pháp điều phối thống nhất và xây dựng thương hiệu chung
![]() |
Không gian du lịch sau sáp nhập cần được định hướng phát triển thống nhất, tránh phân mảnh thương hiệu và trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương. |
Tuy nhiên, tiềm năng lớn chỉ có thể được hiện thực hóa nếu tồn tại một cơ chế điều phối thống nhất và chiến lược xây dựng thương hiệu vùng. Nếu không, mỗi địa phương sẽ tiếp tục duy trì định hướng riêng lẻ, dẫn đến trùng lặp sản phẩm, thông điệp thị trường thiếu nhất quán và nguy cơ cạnh tranh nội vùng không lành mạnh.
Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Đại học RMIT Việt Nam, phân tích: “TP.HCM mới có thể học hỏi mô hình tích hợp vùng của Tokyo – nơi các đô thị vệ tinh phát triển theo chức năng riêng biệt, nhưng đồng thời bổ trợ nhau tạo thành hệ sinh thái du lịch thống nhất. Vùng mạnh về MICE hỗ trợ vùng có lợi thế sinh thái hay biển đảo, từ đó giảm thiểu đầu tư dàn trải và tăng hiệu quả.”
Một thách thức khác là định vị thương hiệu vùng. Trước sáp nhập, mỗi tỉnh thành đều có slogan, bộ nhận diện và thông điệp truyền thông riêng. Nếu không xây dựng một chiến lược tái định vị thương hiệu chung, hình ảnh vùng dễ rơi vào tình trạng "nồi lẩu quảng bá" – thiếu sự đồng bộ và khó tạo dấu ấn trên thị trường quốc tế.
Giải pháp đề xuất là thành lập Hội đồng du lịch liên chính quyền với chức năng điều phối chiến lược quy hoạch, truyền thông và kết nối đầu tư. Cơ quan này cần phối hợp chặt chẽ cùng các Sở Du lịch, Trung tâm xúc tiến đầu tư, doanh nghiệp lữ hành và các nhà đầu tư để đảm bảo định hướng chung được triển khai hiệu quả. Song song, cần thúc đẩy số hóa dữ liệu, xây dựng nền tảng thông tin liên tỉnh nhằm cải thiện công tác phân tích thị trường và điều chỉnh sản phẩm kịp thời.
Thạc sĩ Hà Quách, Giảng viên ngành Quản trị Du lịch, Đại học RMIT Việt Nam, lưu ý: “Lợi thế lớn nhất của tích hợp là vừa giữ được bản sắc địa phương, vừa tạo nên trải nghiệm phong phú, liền mạch cho du khách. Nhưng điều đó chỉ thành hiện thực nếu cơ chế hành chính mới vận hành hiệu quả và có sự phối hợp đồng thuận giữa các cấp quản lý.”
Một yếu tố không thể thiếu là phát triển nhân lực. Việc liên kết vùng giúp chia sẻ nguồn lao động chất lượng cao giữa các trung tâm lớn như TP.HCM, Bình Dương hay Côn Đảo. Tuy nhiên, để tối ưu hóa nguồn lực, cần có chiến lược đào tạo liên tỉnh, xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp chung và cơ chế điều phối nhân sự linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng loại hình du lịch.
Sáp nhập tỉnh không chỉ là bài toán tổ chức hành chính mà còn là cơ hội chiến lược để ngành du lịch Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ – từ phát triển rời rạc sang tích hợp đa chiều. Nếu được quy hoạch bài bản, điều phối thống nhất và truyền thông nhất quán, các vùng du lịch mới sẽ không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia trên thị trường quốc tế.