Thiếu liên kết cản bước chuyển xanh
![]() |
Nhiều sản phẩm du lịch xanh ở Việt Nam vẫn phát triển tự phát, thiếu tiêu chuẩn chung và liên kết hệ sinh thái. |
Trong bối cảnh hậu đại dịch, khi áp lực tinh thần và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao, du lịch xanh và trị liệu đang dần trở thành một lựa chọn được ưa chuộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hành trình "xanh hóa" ngành du lịch vẫn đang gặp nhiều rào cản mang tính hệ thống. Mặc dù nhiều địa phương và doanh nghiệp đã bước đầu chuyển hướng phát triển bền vững, nhưng sự thiếu liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái du lịch đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm chạp và thiếu đồng bộ.
Tại tọa đàm “Du lịch xanh – môi trường – sức khỏe” tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh gần đây, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – thẳng thắn nhận định rằng, du lịch xanh ở nước ta hiện vẫn đang phát triển một cách manh mún và thiếu tính cạnh tranh. Theo ông Khánh, nhiều điểm đến còn yếu về hạ tầng, đặc biệt là hệ thống xử lý rác thải và nước sạch. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa xem phát triển du lịch xanh là một lợi thế chiến lược, phần vì thiếu nhận thức, phần vì hạn chế về nguồn lực.
Cùng quan điểm này, TS. Phạm Thái Sơn – Phó Trưởng bộ môn Du lịch, Phân hiệu Khánh Hòa (Đại học Tôn Đức Thắng) – cho rằng: "Muốn phát triển du lịch xanh thực chất, cần có một hệ sinh thái đầy đủ, từ chính sách, sản phẩm đến con người. Không thể chỉ trông chờ vào một vài doanh nghiệp tiên phong hay chiến dịch truyền thông ngắn hạn."
Một trong những điểm yếu then chốt là sự thiếu vắng các tiêu chí và bộ tiêu chuẩn thống nhất cho du lịch xanh. Do không có hệ quy chiếu chung, các mô hình “xanh” hiện nay chủ yếu phát triển theo hướng tự phát, khiến thị trường thiếu minh bạch và du khách cũng khó đánh giá đúng chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, nhân lực trong ngành du lịch vẫn đang tập trung vào phục vụ đại trà, chưa được đào tạo bài bản về du lịch sinh thái, trị liệu hay chăm sóc sức khỏe tinh thần – những mảng đang có nhu cầu ngày càng lớn. Trong khi đó, chương trình giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục du lịch vẫn chưa tích hợp đầy đủ nội dung về phát triển bền vững, khiến nguồn cung nhân lực chuyên biệt vừa thiếu, vừa yếu.
Đáng chú ý, truyền thông – công cụ đóng vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức – cũng chưa được khai thác hiệu quả. Hầu hết các chiến dịch quảng bá vẫn tập trung vào điểm đến, mà chưa nhấn mạnh vào giá trị xanh, văn hóa cộng đồng và trải nghiệm sâu sắc mà du lịch bền vững có thể mang lại.
Kích hoạt đồng bộ hệ sinh thái du lịch
![]() |
Các mô hình du lịch kết hợp thiền, trị liệu và giáo dục môi trường đang mở ra hướng đi bền vững cho ngành du lịch. Ảnh: Trần Thường |
Trên phương diện chính sách, ông Nguyễn Trùng Khánh kiến nghị cần rà soát và hoàn thiện các ưu đãi đầu tư hạ tầng thân thiện môi trường, ban hành bộ tiêu chí quốc gia về du lịch xanh, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến bền vững.
Về mặt nhân lực, TS. Phạm Thái Sơn đề xuất phải đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như chuyên gia trị liệu, đầu bếp dinh dưỡng, hướng dẫn viên du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, các trường đào tạo cần cập nhật chương trình giảng dạy, tích hợp nội dung về du lịch xanh, du lịch trị liệu, và trách nhiệm xã hội trong từng học phần.
Trong hệ sinh thái du lịch, doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân trong sáng tạo sản phẩm. Những mô hình như của Vietourist Holdings – công ty đang triển khai tour thiền, yoga, tắm suối và sử dụng thực phẩm hữu cơ – là ví dụ tiêu biểu cho cách mà doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm có chiều sâu. Bên cạnh yếu tố trải nghiệm, doanh nghiệp này còn kết hợp trồng rừng, du lịch cộng đồng và giáo dục môi trường – từ đó tạo ra những giá trị bền vững gắn với mỗi chuyến đi.
Truyền thông cũng cần đổi mới về cách tiếp cận. Thay vì quảng bá sản phẩm một cách bề nổi, các chiến dịch nên hướng tới kể câu chuyện về giá trị nhân văn, quá trình sản xuất sản phẩm, đóng góp của du lịch vào gìn giữ thiên nhiên và phát triển cộng đồng. Một hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia xanh – sạch – trách nhiệm không thể chỉ đến từ phong cảnh đẹp, mà phải đến từ trải nghiệm có chiều sâu và cảm xúc tích cực của người tiêu dùng.
Không thể không nhắc đến vai trò của du khách trong hệ sinh thái này. TS. Phạm Thái Sơn nhấn mạnh: “Du khách không nên là người tiêu dùng thụ động mà phải trở thành một chủ thể tích cực tham gia vào việc kiến tạo trải nghiệm du lịch. Khi du khách lựa chọn những sản phẩm thân thiện môi trường, hành động xanh hóa ngành du lịch sẽ trở nên có sức lan tỏa thực chất hơn.”
Du lịch xanh không thể chỉ là một khái niệm truyền thông. Đó là một hành trình cải tổ từ gốc rễ hệ thống – nơi mọi bên liên quan đều phải chuyển mình và hành động có trách nhiệm. Chỉ khi hệ sinh thái du lịch xanh được vận hành đồng bộ, ngành du lịch Việt Nam mới có thể vươn mình với một thương hiệu quốc gia khác biệt, bền vững và đáng nhớ trong mắt bạn bè quốc tế.