![]() |
Hướng di chuyển của bão số 3 cập nhật sáng 20/7. Nguồn: NCHMF |
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão WIPHA đã đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Cường độ bão đạt cấp 10, giật cấp 12 và được dự báo có thể mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Trong hai ngày 21 – 22/7, bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, gây gió mạnh và mưa lớn trên diện rộng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL về việc tập trung ứng phó với bão số 3. Công điện được gửi đến Giám đốc các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch tại các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh và Hà Nội, cùng thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.
Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL yêu cầu Giám đốc các Sở VH-TT-DL và các đơn vị liên quan chủ động theo dõi diễn biến bão; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, đặc biệt là các khu vực ven biển, đảo, nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đồng thời, cần xây dựng phương án cụ thể về sơ tán, tránh trú, đảm bảo an toàn cho du khách – nhất là khách quốc tế.
Công điện cũng nhấn mạnh việc các địa phương phải tổ chức kiểm đếm, thông tin và hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện du lịch trên biển không đi vào vùng nguy hiểm, chủ động di chuyển đến nơi trú tránh an toàn. Việc tuyên truyền, hướng dẫn và di dời khách du lịch cần được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các khu, điểm du lịch. Căn cứ tình hình thực tế và ảnh hưởng của bão, cần chủ động dừng hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch tại địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng yêu cầu chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và hệ thống thông tin cơ sở tại các địa phương cập nhật kịp thời các bản tin dự báo bão từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Mục tiêu là thông báo đầy đủ tới người dân, đặc biệt lưu ý các cảnh báo mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét và việc di dời dân cư khỏi các vùng nguy hiểm.
Đối với thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố nêu trên, cần theo dõi sát tình hình bão, mưa, lũ để triển khai kịp thời các phương án ứng phó, bảo đảm an toàn cho người và tài sản thuộc đơn vị quản lý, cũng như các hoạt động tổ chức. Đồng thời, khuyến cáo công chức, viên chức, người lao động hạn chế ra đường trong thời điểm bão đổ bộ, mưa lũ lớn.
Các đơn vị truyền thông thuộc Bộ như Cục Báo chí, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại được giao nhiệm vụ chỉ đạo hệ thống báo chí, thông tin cơ sở cả nước tăng cường tuyên truyền, phát sóng, cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo diễn biến bão và các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, cần ưu tiên đưa tin cảnh báo người dân về mưa lũ, sạt lở đất và nguy cơ dịch bệnh do ngập lụt.
Đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, công điện yêu cầu chỉ đạo các nhà thầu triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó và khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ nếu xảy ra.
Cuối cùng, Công điện yêu cầu Giám đốc các Sở VH-TT-DL và thủ trưởng các đơn vị tại địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thông tin và báo cáo kịp thời về tình hình ứng phó bão và thiệt hại (nếu có) trong lĩnh vực quản lý của ngành gửi về Bộ VH-TT-DL để tổng hợp, xử lý theo quy định.
![]() |
![]() |