Du lịch Việt Nam cần chạm tới cảm xúc du khách Du lịch cao cấp Việt Nam cần bước chuyển chiến lược Du lịch xanh chỉ bền khi cộng đồng cùng nhập cuộc |
Tận dụng thời cơ để bứt phá mạnh mẽ
![]() |
Du khách quốc tế trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống tại một điểm đến đặc sắc của Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế du lịch cảm xúc và bền vững. |
6 tháng đầu năm 2025, du lịch Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn nổi bật trong bức tranh kinh tế khi đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt gần 48,6% kế hoạch năm. Thị trường nội địa cũng khởi sắc với 77,5 triệu lượt khách, tương đương 64,5% mục tiêu năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 518.000 tỷ đồng, đạt 52,8% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, kết quả này đạt được trong bối cảnh ngành du lịch nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch COVID-19. Theo báo cáo quý I/2025 của UN Tourism, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tăng trưởng khách quốc tế, đồng thời đứng thứ 2 toàn khu vực về tốc độ phục hồi so với thời điểm trước đại dịch.
Sự bứt phá đó không chỉ đến từ hiệu ứng phục hồi tự nhiên, mà là kết quả của quá trình đổi mới toàn diện: từ phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến, đến triển khai e-marketing chuyên nghiệp. Các chương trình như “Tận hưởng Đà Nẵng”, sản phẩm kết nối biển – rừng “Đại dương kết nối đại ngàn” ở Phú Quốc, hay tour du lịch lịch sử tại TP. Hồ Chí Minh là minh chứng cho nỗ lực làm mới trải nghiệm du khách theo hướng bản sắc, hấp dẫn và đa dạng.
Cùng với đó, hàng loạt sự kiện xúc tiến quy mô quốc gia và quốc tế như Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 đã góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam. Đặc biệt, chiến dịch “Việt Nam - Đi để yêu” tiếp tục tạo dấu ấn cảm xúc, gắn kết du khách với bản sắc từng vùng miền.
Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực, ngành du lịch vẫn đối diện không ít thách thức. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, dù sản phẩm đã đa dạng hơn nhưng giá trị gia tăng còn thấp, hoạt động xúc tiến thiếu chiều sâu chiến lược và bản sắc riêng. Trong bối cảnh tái cấu trúc địa giới hành chính sau sáp nhập tỉnh, bài toán “vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam” đặt ra với nhiều yêu cầu mới, từ tư duy quy hoạch đến tổ chức sản phẩm theo vùng liên kết.
Định vị lại thương hiệu bằng trải nghiệm khác biệt
![]() |
Sản phẩm du lịch sáng tạo gắn với bản sắc vùng miền giúp nâng tầm trải nghiệm và tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn cho ngành du lịch. |
Việt Nam đang đứng trước cơ hội định hình lại mô hình phát triển du lịch theo hướng đặt trải nghiệm du khách làm trung tâm, coi du lịch không chỉ là ngành kinh tế mà còn là ngành công nghiệp truyền cảm hứng. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Du khách không còn đi chỉ để tham quan, mà để cảm nhận, để sống giữa văn hóa bản địa, để có những trải nghiệm đáng nhớ. Chúng ta phải tạo ra sản phẩm chạm tới cảm xúc để họ muốn quay lại nhiều lần. Việc sáp nhập tỉnh mở ra không gian liên kết mới, tạo điều kiện hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng có chiều sâu và bản sắc riêng biệt – từ đó tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài".
Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – cho rằng sản phẩm là yếu tố then chốt trong chiến lược cạnh tranh. Nếu sản phẩm không đủ hấp dẫn, mọi chiến dịch quảng bá đều trở nên thiếu hiệu quả. Ông đề xuất phát triển sản phẩm dựa trên hai trụ cột chính: chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, đồng thời thúc đẩy việc mở văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, nhằm định vị thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ thế giới.
Ở cấp địa phương, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – cho rằng cần có một Chương trình hành động tổng thể cho giai đoạn mới, kết hợp quy hoạch không gian với đầu tư sáng tạo sản phẩm, chuyển đổi số và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố nền tảng để tiếp cận các thị trường cao cấp và khắt khe.
Từ góc độ quản lý ngành, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – nhấn mạnh chiến lược trọng tâm giai đoạn tới là cơ cấu lại thị trường theo vùng và liên vùng, tạo liên kết hiệu quả giữa du lịch với các ngành trong chuỗi giá trị – như công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp trải nghiệm, logistics xanh. Hoạt động quảng bá cũng sẽ được đổi mới toàn diện, hướng tới truyền thông cảm xúc, tận dụng sức mạnh của cả khu vực công và tư.
Hiện Việt Nam đã xác định 10 thị trường mục tiêu trọng điểm gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông và Nga. Nhưng để tạo đột phá, chiến lược quảng bá không thể dừng lại ở truyền thông đại trà, mà cần lấy thương hiệu làm nền tảng, thị trường làm trung tâm, và truyền cảm hứng làm phương tiện tiếp cận.