Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả vụ lật tàu tại Quảng Ninh |
![]() |
Hiện trường vụ lật tàu tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). |
Chủ động phòng ngừa từ những điều nhỏ nhất
Mỗi năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước lựa chọn các tour tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc hay các tuyến sông nước miền Tây. Tuy nhiên, các vụ việc tai nạn đường thủy trong quá khứ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách.
Để phòng ngừa rủi ro, việc đầu tiên du khách cần làm là lựa chọn hãng tàu, đơn vị tổ chức tour uy tín, có đăng ký đầy đủ giấy phép hoạt động và được đánh giá cao về mức độ an toàn. “Không nên vì ham giá rẻ mà chọn các tàu hoạt động chui, tàu không có bảo hiểm hoặc thiếu thiết bị cứu hộ” – một hướng dẫn viên kỳ cựu tại Hạ Long khuyến cáo.
Trước khi tàu khởi hành, hành khách nên chú ý lắng nghe hướng dẫn an toàn của thủy thủ đoàn, đặc biệt là cách sử dụng áo phao và vị trí các thiết bị cứu sinh. Trên thực tế, nhiều người có tâm lý chủ quan, bỏ qua phần hướng dẫn vì nghĩ "chẳng có chuyện gì xảy ra". Tuy nhiên, trong các tình huống khẩn cấp như tàu bị nghiêng, va chạm, cháy nổ, kiến thức sơ đẳng này lại là “cứu cánh” sinh tử.
Trang phục phù hợp, giữ tinh thần cảnh giác
Đi tàu biển hoặc du thuyền, điều kiện thời tiết và địa hình có thể ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của du khách. Việc lựa chọn trang phục phù hợp cũng là yếu tố quan trọng. Theo khuyến nghị từ nhiều đơn vị tổ chức tour, du khách nên mang giày đế bằng hoặc dép chống trượt, tránh đi giày cao gót, giày trơn đế da – những vật dụng dễ khiến bạn vấp ngã trên sàn tàu ẩm ướt.
Ngoài ra, áo khoác mỏng chống gió, kính râm, mũ rộng vành và kem chống nắng cũng là những vật dụng không nên thiếu khi lên tàu, đặc biệt trong các tour du lịch ngoài trời kéo dài.
Trên boong tàu, du khách nên giữ khoảng cách an toàn với lan can, đặc biệt là khi tàu đang di chuyển tốc độ cao hoặc gặp sóng lớn. Tuyệt đối không đùa nghịch, chụp ảnh mạo hiểm ở mũi tàu hoặc những khu vực hạn chế. “Đã có không ít tai nạn xảy ra chỉ vì một tấm ảnh sống ảo”, một cán bộ quản lý cảng tàu cảnh báo.
Đối với trẻ em, người cao tuổi hoặc người không biết bơi, càng cần được trang bị áo phao ngay từ khi lên tàu. Cha mẹ cần luôn để mắt tới trẻ, tránh để các em tự ý chạy nhảy, trèo lan can hoặc đến gần khu vực kỹ thuật.
Cảnh giác thời tiết và phản ứng đúng lúc
Thời tiết là yếu tố khó lường và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của chuyến đi. Du khách nên chủ động theo dõi dự báo thời tiết trước và trong chuyến đi, đặc biệt là ở các địa phương có thời tiết biến động nhanh như Quảng Ninh, Khánh Hòa hay Phú Quốc. Nếu có thông báo từ chính quyền hoặc cảng vụ về việc dừng cấp phép tàu do bão, gió mạnh, cần tuyệt đối tuân thủ và không cố tình đòi khởi hành.
Trong trường hợp xảy ra sự cố như tàu gặp trục trặc kỹ thuật, va chạm hay cháy nổ, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, nghe theo chỉ dẫn của thủy thủ đoàn. Không chen lấn, la hét hoặc tìm cách nhảy xuống nước nếu chưa có áo phao và phương tiện cứu sinh phù hợp.
Theo khuyến cáo từ lực lượng cứu hộ, hành khách nên ghi nhớ vị trí của áo phao và các lối thoát hiểm ngay từ khi lên tàu. Một số tàu hiện nay đã trang bị áo phao gắn ở dưới ghế hoặc treo sát trần cabin – du khách cần để ý kỹ, tránh trường hợp không kịp lấy khi khẩn cấp.
Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ tai nạn tàu du lịch, nguyên nhân không chỉ đến từ lỗi kỹ thuật hoặc điều kiện tự nhiên mà còn từ sự chủ quan, thiếu hiểu biết và lơ là của chính hành khách. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và hợp tác cùng thủy thủ đoàn trong mọi tình huống.
Đi tàu du lịch là trải nghiệm tuyệt vời để khám phá vẻ đẹp sông nước, biển đảo quê hương. Nhưng để chuyến đi trọn vẹn, điều kiện tiên quyết là sự an toàn. Đừng để sự thiếu chuẩn bị hoặc vài phút bất cẩn khiến một chuyến đi mơ ước trở thành kỷ niệm đáng tiếc.
![]() |