Du lịch xanh trở thành chiến lược thương hiệu mới Du lịch Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục, vượt mốc vàng trước đại dịch: Thị trường nào đang dẫn đầu? Du lịch Việt Nam cần chạm tới cảm xúc du khách |
Thiếu hệ sinh thái riêng cho phân khúc này
![]() |
Hạ tầng và dịch vụ đón tiếp khách du lịch tại một cảng biển vẫn mang tính đại trà, chưa đáp ứng kỳ vọng của phân khúc khách cao cấp. |
Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua tăng trưởng mạnh, song theo các chuyên gia, phân khúc khách cao cấp – những người sẵn sàng chi tiêu lớn cho trải nghiệm độc đáo – vẫn chưa được tiếp cận đúng mức. Thị trường này, nếu được đầu tư nghiêm túc, có thể trở thành động lực tăng trưởng chiến lược, đưa du lịch Việt Nam lên một nấc thang mới trên bản đồ cao cấp toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, thị trường du lịch hạng sang toàn cầu hiện đã đạt quy mô hơn 2.100 tỷ USD và sẽ vượt mốc 3.000 tỷ USD vào năm 2032. Tuy chỉ chiếm khoảng 2% tổng số khách du lịch, nhóm khách siêu giàu đóng góp tới 22% doanh thu ngành công nghiệp không khói toàn cầu. “Nếu được đầu tư đúng hướng, đây là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh khai thác phân khúc khách du lịch hạng sang, một mỏ kim cương lộ thiên”, ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng – Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế Quốc dân – Việt Nam chưa có một hệ sinh thái bài bản để phục vụ dòng khách cao cấp. “Khách hạng sang đòi hỏi sản phẩm có giá trị thực, từ thiết kế dịch vụ, điểm đến, nhân lực phục vụ đến khâu bán hàng. Đây là nhóm khách trả tiền để được phục vụ cá nhân hóa, và hiện nay ta gần như chưa đáp ứng được kỳ vọng đó”, ông Hoàng nhìn nhận.
Mặc dù đã có những khu nghỉ dưỡng 5 sao, nhiều điểm đến nổi tiếng và cảnh quan đặc sắc, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những yếu tố này mới chỉ là “cái khung”. Cái thiếu là “phần hồn” – tức hệ sinh thái kết nối, chuỗi giá trị phục vụ trọn vẹn cho khách cao cấp từ lúc tìm hiểu, đặt dịch vụ, trải nghiệm, đến hậu mãi.
Ông Lê Công Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch quốc tế WonderTour, cho rằng: “Việt Nam có tài nguyên tốt, nhưng thiếu chiến lược riêng biệt cho phân khúc cao cấp. Nhiều nơi có khách sạn sang nhưng không có sản phẩm đi kèm. Nhân lực thiếu kinh nghiệm, truyền thông chưa định vị rõ ràng. Đó là lý do vì sao khách siêu giàu đến rồi… đi luôn”.
Việc phát triển ồ ạt cơ sở lưu trú cao cấp mà thiếu định hướng kết nối điểm đến, thiếu dịch vụ hỗ trợ chuyên sâu cũng dẫn đến tình trạng “cao cấp nửa vời”. Trong khi đó, xu hướng du lịch toàn cầu đang thay đổi. Khách thượng lưu không còn tìm kiếm sự hào nhoáng đơn thuần, mà hướng đến những trải nghiệm đậm bản sắc, nguyên bản, riêng tư, thân thiện môi trường và gắn với lối sống.
Hướng phát triển chuyên biệt và bài bản
![]() |
Du thuyền Heritage Cruises tại vịnh Lan Hạ – mô hình dịch vụ cao cấp hướng tới cá nhân hóa trải nghiệm và gắn kết bản sắc văn hóa Việt. |
Muốn khai thác thành công phân khúc này, Việt Nam cần thay đổi tư duy tiếp cận – chuyển từ “bán cái mình có” sang “thiết kế cái khách cần”. Theo TS Hoàng Thị Điệp, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, khách siêu giàu có những tiêu chí lựa chọn rất khắt khe: họ cần sự tinh tế, riêng tư, trải nghiệm độc đáo, cá nhân hóa toàn diện và dịch vụ tiệm cận hoàn hảo. “Với dòng khách cao cấp, đẳng cấp không nằm ở sự phô trương, mà ở chi tiết nhỏ nhất: từ hương vị món ăn đến sự thấu hiểu nhu cầu cá nhân của từng du khách”, bà Điệp chia sẻ.
Từ góc nhìn quản lý chiến lược, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch, nhấn mạnh rằng việc phát triển phân khúc khách cao cấp đã nằm trong chiến lược quốc gia. Nhưng để hiện thực hóa, điều quan trọng là sự nhập cuộc thực chất của địa phương và doanh nghiệp. “Chiến lược không thể thành công nếu chỉ nằm trên giấy. Các tỉnh cần cam kết triển khai từ quy hoạch hạ tầng đến chính sách ưu đãi, từ đào tạo nhân lực đến giám sát chất lượng”, ông Lương nói.
Về giải pháp cụ thể, nhiều chuyên gia đồng thuận với mô hình “Hệ sinh thái 5C” do TS Phạm Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Xanh – đề xuất. Gồm: Culture (văn hóa), Cuisine (ẩm thực), Customization (cá nhân hóa), Community (cộng đồng), Content (trải nghiệm độc đáo). Đây là khung phát triển phù hợp với xu hướng mới: kiến tạo sản phẩm giàu tính bản địa, trải nghiệm sâu, kết nối cảm xúc thay vì chỉ ngắm nhìn.
Đặc biệt, theo ông Hà – Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup – yếu tố con người giữ vai trò quyết định thành bại. Trong các tour du thuyền cao cấp phục vụ giới siêu giàu mà doanh nghiệp ông tổ chức, ấn tượng của khách không đến từ nội thất sang trọng, mà từ cách nhân viên hiểu được sở thích, thói quen, thậm chí tâm lý từng du khách. “Đào tạo đội ngũ hiểu tâm lý khách hàng, am hiểu văn hóa và ngôn ngữ của từng thị trường mục tiêu là điều kiện tiên quyết nếu muốn tiếp cận nhóm khách '1% tinh hoa' này”, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, một chiến lược phát triển lâu dài cũng cần nhấn mạnh yếu tố truyền thông điểm đến. Việt Nam không nên chỉ truyền thông bằng cảnh đẹp, mà cần định vị hình ảnh sang trọng, riêng tư, tinh tế – qua các chiến dịch truyền thông quốc tế, hợp tác với các công ty lữ hành cao cấp, tổ chức sự kiện đẳng cấp và đầu tư vào trải nghiệm thương hiệu du lịch số.
Về chính sách, TS Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ mạnh hơn trong việc nâng cấp hạ tầng (cảng du thuyền, sân bay, giao thông kết nối), đơn giản hóa thủ tục visa, và có các ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp.
Việt Nam không thiếu cảnh đẹp, văn hóa, ẩm thực, con người hay tiềm lực đầu tư. Vấn đề là chưa có một hệ sinh thái đủ sâu, đủ chuyên biệt và đồng bộ để phục vụ đúng kỳ vọng của khách siêu giàu. Chinh phục thị trường này không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp hay chính quyền địa phương, mà cần sự phối hợp chiến lược – bài bản – dài hạn giữa các bên, từ nhận thức đến hành động. Khi “mỏ kim cương” được khai thác đúng cách, đó cũng là lúc du lịch Việt Nam thực sự bước vào cuộc chơi đẳng cấp toàn cầu.