Trải nghiệm cảm xúc quyết định thành bại
![]() |
Du khách quốc tế trải nghiệm làm gốm truyền thống tại một làng nghề Việt Nam – một cách kết nối trực tiếp với văn hóa bản địa qua hoạt động thủ công thực hành. |
Sau đại dịch, hành vi của du khách toàn cầu đã thay đổi đáng kể. Thay vì chỉ ngắm cảnh và chụp ảnh, họ mong muốn được “sống trong hành trình”, hòa mình vào không gian bản địa, thưởng thức văn hóa và giao tiếp thực sự với cộng đồng địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du khách hiện đại không chỉ tìm kiếm sự tham quan mà cần được truyền cảm hứng, được chạm đến cảm xúc – yếu tố cốt lõi khiến họ quay trở lại trong tương lai.
Quan điểm này phản ánh một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy phát triển ngành du lịch: từ mô hình kinh tế mũi nhọn sang ngành “kinh tế truyền cảm hứng”. Nghĩa là, du lịch không chỉ mang lại doanh thu mà còn cần tạo ra sự kết nối cảm tính, để lại dấu ấn tinh thần cho du khách.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn sản phẩm du lịch vẫn dừng lại ở mức mô phỏng, thiếu chiều sâu văn hóa và chưa tạo được bản sắc riêng. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – ông Vũ Thế Bình – chỉ rõ: “Chúng ta có nhiều tài nguyên, nhưng mới chỉ khai thác sơ khai. Kể chuyện, trình diễn di sản, tạo cảm xúc xuyên suốt hành trình là những điểm còn yếu.”
Trong khi đó, nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand đã phát triển mạnh xu hướng “du lịch cảm xúc” (emotional tourism) với trọng tâm là storytelling, trải nghiệm thủ công, tương tác cộng đồng và tích hợp công nghệ cảm xúc như AR, VR, chatbot, bản đồ thông minh...
Tại Việt Nam, một số điểm đến như Hội An, Huế, Sa Pa đã thử nghiệm công nghệ kể chuyện di sản hoặc tái hiện không gian văn hóa, nhưng còn nhỏ lẻ và thiếu hệ thống. Khi không tạo được trải nghiệm chạm cảm xúc, Việt Nam dễ bị “lướt qua” trong bản đồ lựa chọn của du khách quốc tế – nhất là khi cạnh tranh khu vực đang rất khốc liệt.
Sản phẩm du lịch cần chiều sâu bản sắc
![]() |
Bản đồ du lịch Việt Nam đa dạng sắc màu đang cần chuyển mình từ quảng bá cảnh đẹp sang xây dựng trải nghiệm cảm xúc, ứng dụng công nghệ và gắn kết cộng đồng địa phương. |
Muốn tạo dấu ấn thực sự, sản phẩm du lịch Việt Nam cần vượt ra khỏi khuôn khổ nhìn – chụp – rời đi. Thay vào đó, mỗi hành trình phải kể được câu chuyện, phản ánh lớp nghĩa văn hóa và cho phép du khách hòa vào dòng chảy đời sống bản địa. Đây là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn tái cấu trúc không gian hành chính và tái định vị tài nguyên du lịch sau sáp nhập tỉnh.
Theo định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương mới cần xác định lại lợi thế văn hóa, tích hợp tài nguyên liên vùng và xây dựng sản phẩm theo chuỗi trải nghiệm thống nhất – thay vì phát triển đơn lẻ, dàn trải như trước. Đây là cơ hội để vẽ lại bản đồ du lịch theo không gian cảm xúc. Ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – nhấn mạnh: “Một hành trình tốt là hành trình kể được câu chuyện. Cần tích hợp ẩm thực, làng nghề, tín ngưỡng, không gian cổ... vào tuyến trải nghiệm có chiều sâu, thay vì chỉ gom điểm để ghép tour.” Công nghệ số như bản đồ tương tác, video ngắn, thuyết minh tự động, ứng dụng AI cũng sẽ giúp tăng cường kết nối cảm xúc.
Yếu tố con người cũng không thể thiếu. Chính cộng đồng cư dân tại điểm đến – những “người kể chuyện không chuyên” – là người làm nên khác biệt. Ngành du lịch cần đầu tư đào tạo lại đội ngũ này, nâng cao kỹ năng kể chuyện, trình diễn di sản và quản lý du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất tích hợp nội dung “du lịch cảm xúc và văn hóa bản địa” vào chương trình đào tạo chính quy. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – đây là cách giúp hình thành nguồn nhân lực vừa giỏi quản lý vừa có khả năng thiết kế sản phẩm truyền cảm hứng theo thị hiếu từng phân khúc thị trường.
Ở cấp chính sách, Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn sản phẩm du lịch văn hóa theo hướng cảm xúc, hỗ trợ địa phương xây dựng kho dữ liệu kể chuyện số hóa (story bank), đồng thời khuyến khích mô hình liên kết vùng theo “tuyến cảm xúc” thay vì chia theo ranh giới hành chính. Đáng chú ý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi số ngành du lịch – cung cấp tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư công nghệ và đào tạo nhân sự. Đây sẽ là cú hích giúp du lịch nội địa tăng tốc trong bối cảnh mới.
Đồng thời, ngành cũng đặt mục tiêu nâng mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế từ khoảng 1.500 USD hiện nay lên 2.000 USD mỗi lượt – kéo theo yêu cầu nâng tầm sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm, hướng tới giá trị thực sự bền vững. Phát triển du lịch cảm xúc không phải là sự lý tưởng hóa, mà là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Chỉ khi sản phẩm mang chiều sâu bản sắc và hành trình thực sự chạm tới trái tim du khách, du lịch Việt Nam mới có thể giữ chân khách, gia tăng giá trị và tạo lợi thế dài hạn.