Ấn tượng với du lịch Thanh Hóa đầu năm Ất Tỵ 2025 Khai hội chùa Hương năm 2025: “Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% |
![]() |
Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng vọt ngay tháng đầu năm. |
Khách Mỹ, Úc, Ấn Độ quan tâm nhiều nhất
Theo dữ liệu từ Google Destination Insights, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam từ cuối tháng 11/2024 tới hết tháng 1/2025 tăng trong khoảng từ 15% - 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng 2/2025, lượng tìm kiếm quốc tế tiếp tục tăng ở mức 30% - 45%.
Các thị trường đang tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Canada, Đức và Malaysia. Đây cũng là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam ở các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ.
Đáng chú ý, hai thị trường lớn là Úc, Ấn Độ có lượng tìm kiếm ở vị trí thứ 2 và thứ 3 cho thấy tiềm năng, dư địa còn rất lớn để tăng trưởng.
Các điểm đến của Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu. Đây tiếp tục là tín hiệu vui đối với Du lịch Việt Nam khi bước vào đầu năm 2025 sau thời gian bứt phá của năm 2024.
Trong tháng 1/2025, Việt Nam đón lượng khách quốc tế gần 2,1 triệu lượt, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là kỷ lục mới của ngành Du lịch, vượt qua con số gần 2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 01/2020. So với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch COVID-19, lượng khách tháng 01/2025 cao hơn đến 37,8%.
Sự gia tăng về nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam cho thấy hiệu quả rõ rệt từ chính sách thị thực thông thoáng mới được ban hành, các chương trình xúc tiến quảng bá đột phá trong năm qua, nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên thế giới, cũng như hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam ngày càng phong phú, hấp dẫn, chất lượng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu du khách trong giai đoạn mới.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 11 về việc miễn thị thực theo chương trình kích cầu phát triển du lịch cho công dân các nước Ba Lan, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ từ ngày 1/3 đến ngày 31/12/2025. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút khách quốc tế từ 3 thị trường châu Âu đến Việt Nam trong năm nay.
Du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới
![]() |
Du khách tại phố đi bộ Hồ Gươm. |
Du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới để khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của Ðảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đầy "tham vọng": Đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu từ du lịch khoảng 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng, vươn đến mốc thu triệu tỷ đồng. Năm 2025 được kỳ vọng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của ngành Du lịch sau những biến động lớn.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Du lịch Việt Nam định hướng tập trung vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu. Du lịch Việt Nam sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung xây dựng các sản phẩm ngày càng đẳng cấp để mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách.
Đồng thời, ngành Du lịch sẽ triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nêu tại Nghị quyết 82/NQ-CP và Chỉ thị 08/CT-TTg của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, thích ứng với điều kiện trong giai đoạn phát triển mới. Ngành sẽ tập trung thực hiện từ đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá du lịch đến việc đề xuất những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động du lịch…
Bên cạnh đó, tất cả các giải pháp được ưu tiên để phát huy các lợi thế của Việt Nam hướng đến tăng cường thu hút khách quốc tế, nâng cao hiệu quả đóng góp từ hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Để phát triển du lịch xanh, bền vững, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh đến 2 yếu tố là con người và công nghệ.
Trong đó, đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam cần được đào tạo bài bản hơn, từ kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp đến năng lực chuyên môn, để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần chú trọng đến ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị du lịch. Bởi lẽ trong xu thế công nghệ đang làm thay đổi toàn diện cách khách du lịch tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ, công nghệ đang là công cụ tối ưu nhất giúp ngành Du lịch Việt Nam tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, từ việc đặt vé qua ứng dụng di động, tham quan ảo các điểm đến trước khi đi, đến thanh toán không dùng tiền mặt, phản hồi, đóng góp ý kiến…
![]() |
![]() |
![]() |