![]() |
Quầy hàng bánh kẹo đầy ắp tại siêu thị Aeon Long Biên. Ảnh: Lam Giang |
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này tăng khá do nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch đã góp phần tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 1/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,0%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2024 tăng 5,6%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 01/2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhờ sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 31,1%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 15,5%; ô tô các loại tăng 11,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 8,9%; hàng may mặc tăng 8,3%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 7,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Hải Phòng tăng 9,2%; Hà Nội tăng 9,0%; Quảng Ninh tăng 8,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,4%; Đà Nẵng tăng 7,9%.
Cùng với đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cũng ghi nhận sự bứt phá. Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đã đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung. Riêng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 67,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, doanh thu du lịch lữ hành đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Kết quả có được này là nhờ nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế tăng đột biến trong các dịp nghỉ lễ, Tết.
Trên cả nước, sự tăng trưởng đã lan tỏa trên các địa phương với mức tăng trưởng tích cực trong tháng đầu năm. Điển hình là doanh thu bán lẻ hàng hóa tại các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Đà Nẵng đều tăng từ 7,9% đến 9,2%.
Tương tự, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đã tăng mạnh ở các trung tâm du lịch, như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa và TP.HCM từ mức 14,7% đến 36,6%.
Nguồn hàng đủ đầy, dồi dào phục vụ Tết Ất Tỵ
![]() |
Điểm nổi bật trong việc cung ứng hàng hoá tháng 1 chính là việc chuẩn bị hàng Tết. |
Điểm nổi bật trong việc cung ứng hàng hoá tháng 1 chính là việc chuẩn bị hàng Tết. Theo thông lệ hàng năm, hàng hóa chuẩn bị Tết Ất Tỵ năm nay tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Nguồn cung hàng hoá được các địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chuẩn bị từ rất sớm, nguồn hàng đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu người dân. Tình hình thời tiết dịp trước Tết khá thuận lợi nên nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, nguồn cung thịt lợn, gia súc, gia cầm ổn định, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, giá không có biến động lớn. Theo báo cáo của các địa phương, giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm.
Đáng chú ý, để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường Tết, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tạo nguồn hàng phục vụ Tết nhất là giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các địa phương. Thông qua các chương trình này, hàng nghìn đặc sản, sản phẩm OCOP đã được tiếp cận tới tay người tiêu dùng, vừa góp phần hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng thành phố, nhất là các dịp Lễ, Tết, phù hợp với xu hướng tiêu dùng ngày càng ưu thích sử dụng các đặc sản vùng miền trong dịp Tết và làm quà biếu, tặng.
Báo cáo tình hình thị trường Tết của Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho thấy, sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng từ ngày 20 Tết (ngày 19/01/2025) để phục vụ lễ cúng ông Công, ông Táo và bắt đầu sôi động hơn từ ngày 26 Tết (bắt đầu kỷ nghỉ Tết sớm), nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm công nghiệp như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... tăng cao. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu tăng cao nhất trong hai ngày 28 và 29 Tết. So với cùng kỳ năm trước, sức mua năm nay tăng hơn năm trước.
Các chương trình hội chợ Xuân, hội chợ nông sản thực phẩm, phiên chợ Tết, chợ hoa... được tổ chức tại nhiều địa phương từ đầu tháng 01 năm 2025 nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân. Các điểm bán hàng Tết thuộc hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng được triển khai tại nhiều địa phương, nhất là tại các khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động, các khu công nghiệp để người dân tiện mua sắm.
![]() |
![]() |
![]() |