Đề xuất giá bán lẻ điện còn 5 bậc tác động thế nào đến người dùng? |
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương vẫn giữ đề xuất rút ngắn biểu giá điện bậc thang từ 6 xuống còn 5 bậc. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên.
Cụ thể, 5 bậc giá điện bán lẻ mới gồm bậc 1 từ 0-100 kWh; bậc 2 từ 101-200 kWh; bậc 3 từ 201-300 kWh; bậc 4 từ 401-700 kWh và bậc 5 là trên 700 kWh. Trong đó, giá điện bán lẻ điện bậc 1, 2 và 3 được thiết kế giữ nguyên; bậc 4 (từ 401-700 kWh) giá 3.407 đồng/kWh và bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) là 3.785 đồng/kWh. Mức giá này cao hơn bậc 4 và 5 hiện hành từ 105 - 483,6 đồng/kWh. Như vậy, hộ dùng trên 400 kWh điện mỗi tháng đều phải trả tiền cao hơn mức hiện hành.
Doanh nghiệp sản xuất sẽ bù cho khu vực dịch vụ lưu trú
Báo Thanh Niên dẫn số liệu từ Tập đoàn điện lực VN (EVN) công bố trong lần tăng giá điện gần đây (tháng 10.2024) cho thấy nhóm khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh/tháng trở lên chiếm khoảng 3,2 triệu hộ, tương đương 11,3% khách hàng sử dụng điện.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận xét dự thảo biểu giá bán lẻ điện được giảm 1 bậc, nhưng tập trung ưu tiên cho khu vực an sinh xã hội, tăng kWh điện ưu đãi cho hộ gia đình dùng ít từ 50 kWh điện đầu tiên lên 100 kWh. Khu vực hộ dùng từ 200-400 kWh có lúc trả thấp hơn, có khi tương đương. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là biểu giá bán lẻ điện đề xuất có xu hướng tăng thu từ hộ dùng điện nhiều. Chẳng hạn, hộ dùng 800 kWh/tháng, phải trả cao hơn 43.000 đồng theo cách tính bậc lũy tiến mới, từ 2,346 triệu đồng lên 2,389 triệu đồng. Hay như hộ dùng 900 kWh/tháng, sẽ phải trả 2,768 triệu đồng thay vì 2,676 triệu đồng theo cách tính 6 bậc hiện hành, chênh nhau hơn 91.000 đồng.
"Tôi đã góp ý nhiều lần trước đây là không nên tính giá điện theo bậc nữa, giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc không giải quyết được gì cả. Cách lập luận người dùng điện nhiều bù cho người dùng điện ít là không thể chấp nhận được trong bối cảnh nhu cầu dùng điện nhiều hơn ngày càng tăng. Dự báo của ngành điện là mỗi năm điện thương phẩm tăng 2 con số phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP. Như vậy, trong thời gian tới, nhu cầu dùng điện tại hộ gia đình cũng tăng, chứ không có chuyện giảm. Đó là nhu cầu cuộc sống. Chẳng hạn, gia đình trước khó khăn, dùng quạt máy, nay nắng nóng tăng, rất nhiều nhà lắp thêm máy điều hòa. Ngay cả các vùng quê, nhiều nhà trước hưởng gió trời, nay lắp thêm máy điều hòa, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ, người già… Vậy tính kiểu nào đi nữa thì số hộ dùng điện trên 400 kWh, thậm chí 700-900 kWh/tháng sẽ tăng theo thời gian. Thế nên, việc tăng thu tiền điện từ nhóm khách hàng này là điều vô lý", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhận xét về biểu giá điện mới.
Không chỉ người dùng nhiều bù cho người dùng ít, Bộ Công thương cũng đề xuất doanh nghiệp sản xuất bù chéo cho khu vực dịch vụ lưu trú. Cụ thể, dự thảo tách khách hàng là "cơ sở lưu trú du lịch" với các khách hàng kinh doanh khác sẽ được áp dụng cơ cấu biểu giá ngang bằng với khách hàng sản xuất.
Với quy định này, phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng "cơ sở lưu trú du lịch" có thể được xem xét để bù trừ giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Cụ thể, cơ cấu giá bán lẻ điện ngành sản xuất tăng từ 1 - 2% so với giá bán lẻ điện bình quân và doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá điện từ 2,41 - 3,34% với phương án này. Nghĩa là với biểu giá điện mới, doanh nghiệp sản xuất sẽ bù cho khu vực dịch vụ lưu trú.
Đề xuất mới tác động thế nào đến người tiêu dùng?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế. |
Trả lời VTC, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho rằng, việc giảm số bậc tính giá điện là cần thiết nhằm giảm bớt sự phức tạp, còn cách tính giá điện trung bình cơ bản không thay đổi, vì tổng phụ tải không thay đổi và tổng doanh thu tiền điện cho EVN cũng không thay đổi.
“Tuy nhiên trong từng hộ gia đình cụ thể sẽ có sự thay đổi theo chỉ số kW sử dụng điện. Theo đó, nếu dùng với chỉ số từ 400kW trở xuống, hóa đơn có thể sẽ giảm vài chục nghìn, nếu sử dụng số kW cao hơn, giá sẽ tăng hơn”, ông Vũ nói.
Đồng tình với ông Vũ, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - đánh giá việc rút gọn bậc thang biểu giá điện từ 6 xuống 5 bậc là hợp lý, vì nó giúp đơn giản hóa biểu giá, dễ hiểu hơn cho người dân.
Bậc thấp nhất cũng được điều chỉnh sát hơn với thực tế sử dụng của nhiều hộ tiêu dùng điện hiện nay, khi mà mức sử dụng 50kWh trở xuống đã rất hiếm gặp. Sự cải tiến này phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảm số bậc biểu giá điện là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, việc giảm từ 6 xuống 5 bậc có thể chưa đủ lớn và cần xem xét phương án 3 bậc.
"Mặc dù việc giảm bậc thang giá điện đã được thảo luận trong nhiều năm, nhưng quan trọng nhất là việc tính toán các bậc phải phù hợp và minh bạch. Trong giai đoạn trước mắt, cần duy trì cơ cấu biểu giá điện bậc thang, nhưng về lâu dài, cần có sự thay đổi căn bản, hướng tới thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh" - ông Thịnh kiến nghị.
Tăng giá điện: EVN có thoát lỗ? |
Giá điện tăng 4,8%: Không tác động mạnh đến lạm phát nhưng gây áp lực chi tiêu |
Giá điện, giá nhà ở thuê tăng kéo CPI tháng 11 tăng 0,13% |