Giá điện Việt Nam tăng 4,8% đắt hay rẻ so với khu vực? Doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng tìm cách giảm chi phí tiền điện Tăng giá điện: EVN có thoát lỗ? |
Giá điện tăng 4,8%: Không tác động mạnh đến lạm phát nhưng gây áp lực chi tiêu. Ảnh Baotintuc.vn |
Từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức 2.006 đồng/kWh lên mức 2.103 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng hơn 96,32 đồng/kWh, tương đương với mức tăng 4,8%, đánh dấu lần điều chỉnh thứ 3 kể từ năm 2023.
Trước đó, vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh, lần thứ nhất vào ngày 4-5 với mức tăng hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%). Lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9-11, với mức tăng 86 đồng/kWh (tương ứng 4,5%).
Sự ảnh hưởng đến lạm phát là không đáng kể
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, việc tăng giá điện không gây áp lực lớn lên lạm phát, song cần ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, từ cuối năm 2023, khi dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2024, nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý đã tính đến việc tăng giá điện. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng nên việc tăng giá điện chỉ tác động nhỏ đến CPI. Năm 2024, việc kiểm soát lạm phát sẽ đạt mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, giá điện tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng do giá điện là chi phí đầu vào của sản xuất. Việc tăng giá điện trước hết có thể làm giá dịch vụ tiêu dùng ăn uống tăng lên. Với kinh nghiệm theo dõi thị trường nhiều năm qua, vị chuyên gia này cho rằng, tình trạng “té nước theo mưa” mỗi khi tăng giá mặt hàng thiết yếu là có.
“Để ngăn chặn hành vi này, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt, bảo đảm kiểm soát CPI năm 2024 từ 4 đến 4,5%. Đồng thời, dư luận đòi hỏi EVN phải minh bạch hơn, tiết kiệm hơn và đón nhận các nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời để đa dạng nguồn cung và bình ổn giá điện”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - việc tăng giá điện hay giá xăng dầu thường tác động đến chỉ số lạm phát. Nhưng lần này, sự ảnh hưởng là không đáng kể và không thể gây ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã đề ra vì mức tăng giá điện 4,8% không quá lớn.
"Tập đoàn Điện lực EVN cũng đã tính toán kỹ và cho biết việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,04%. Trong khi đó, theo công bố của Tổng Cục Thống kê, lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 2,69%. Con số này cho thấy khả năng cao lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là kiểm soát trong giới hạn 4 - 4,5%”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho rằng việc giá cả một số mặt hàng tăng mạnh thời gian qua ở một số nơi chắc chắn không phải do tác động của giá điện. Cụ thể, cơn bão số 3 xảy ra trong tháng 9 là nguyên nhân khiến giá cả tại các tỉnh phía Bắc có sự tăng đột biến, trong khi giá điện mới chỉ điều chỉnh vài ngày nên không thể tác động nhanh như thế được.
“Bên cạnh đó, một yếu tố may mắn nữa là giá dầu trên thế giới đã giảm. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì sẽ có lợi cho việc kiềm chế lạm phát ở trong nước”, ông Thành nói thêm.
Sẽ gây áp lực chi tiêu
Sinh viên lo chủ nhà trọ sẽ tăng giá điện trong thời gian tới. |
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo giá thành, giá bán ảnh hưởng theo.
Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mỗi tháng hộ gia đình dùng 200-400 kWh sẽ trả thêm bình quân khoảng 32.000-47.000 đồng; trên 400 kWh là 62.000 đồng. Chi phí trả thêm của nhóm dùng điện kinh doanh dịch vụ 247.000 đồng và sản xuất là 499.000 đồng một tháng.
Gia đình chị Minh Thu (Long Biên, Hà Nội) nộp khoảng 1,6 triệu đồng (gồm thuế VAT) tiền điện tháng 9, cho hơn 570 kWh sử dụng. Chị ước tính, khi giá điện tăng 4,8%, tiền điện phải trả tháng tới thêm khoảng 78.000 đồng. Chị cho rằng mức này vẫn chấp nhận được, nhưng lo ngại những tháng hè phải cao hơn và nhiều hàng hóa, dịch vụ sẽ "nhấp nhổm tăng theo giá điện".
Anh Võ Văn Duy, sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 3 (quận 12, TP HCM), lo chủ nhà trọ sẽ tăng giá điện trong thời gian tới, kéo theo số tiền mà gia đình phải chu cấp hằng tháng tăng lên. "Tôi ở trọ chung 2 người bạn, chủ nhà thu tiền điện với giá 3.500 đồng/KWh, mỗi tháng tính ra khoảng 150.000 đồng. Một số khu trọ khác đã tăng giá điện lên 4.000 - 5.000 đồng/KWh, không biết có lan sang khu trọ này không?" - anh Duy lo lắng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Nam, Tổng Giám đốc Công ty UBOFOOD Việt Nam, cho biết không chỉ là chi phí tiền điện tăng mà các chi phí khác cũng gián tiếp tăng theo giá điện, trong đó giá cả các sản phẩm thực phẩm đầu vào cũng tăng theo. Doanh nghiệp sẽ chịu tác động kép khiến chi phí bị tăng thêm, trong khi doanh nghiệp chưa thể tăng giá bán ngay để giữ ổn định cho khách hàng.
Tương tự, ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, việc EVN quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% đã tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, nếu giá điện tăng 10% thì chỉ số giá tiêu dùng toàn nền kinh tế sẽ tăng 0,33%. Như vậy, giá điện tăng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát năm nay. Nhưng giá điện tăng khiến giá sản xuất của DN tăng lên, lợi nhuậm giảm xuống và chi phí cho tiêu dùng hộ gia đình tăng theo.
"DN buộc phải thích nghi và có giải pháp tiết kiệm chi phí, sắp xếp lại cơ cấu sản xuất chứ không thể tăng giá sản phẩm vì sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh" - ông Lâm nhìn nhận.
Ngày 11/10, EVN phát đi thông báo giá bán lẻ điện bình quân bắt đầu tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8%. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh. Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh. Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh |
Tiêu thụ điện lên mức kỷ lục 1,025 tỷ kWh, vì sao thuỷ điện vẫn xả lũ? |
EVN trả hơn 50 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày, giá điện sẽ tiếp tục tăng? |
Tăng giá điện: EVN có thoát lỗ? |