Nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý! CPI tháng 8 ổn định, lạm phát tăng 2,71% |
Kỳ vọng lạm phát cả năm 2024 sẽ trong ngưỡng mục tiêu. |
Lạm phát vẫn trong phạm vi kiểm soát
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%. Mức lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm nay cho thấy khả năng lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, nếu nhìn theo mức tăng hàng tháng, lạm phát chỉ tăng khá mạnh trong một vài tháng, chẳng hạn trong tháng 2 (do có Tết), tháng 7 (tăng lương) và tháng 9 vừa qua do tác động của bão số 3 (nhưng chỉ là biến động cục bộ, trong một phạm vi hẹp và một khoảng thời gian nhất định chứ không phải là yếu tố gây ra áp lực lạm phát kéo dài). Còn về tổng thể, giá cả theo tháng không tăng đáng kể. “Do đó đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng lạm phát ở Việt Nam vẫn đang nằm trong phạm vi kiểm soát rất thuận lợi và cả năm chỉ trong khoảng 4%”, ông Hùng cho biết.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), có hai nguyên nhân chính đã giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng năm 2024. Thứ nhất, sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam. Theo đó, tỉ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9.2024 chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba năm rưỡi và dưới mức mục tiêu 2% của ECB.
Lạm phát thế giới hạ nhiệt đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng đầu năm giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt phải kể đến mặt hàng xăng dầu, là một trong những mặt hàng chiếm tỉ trọng không nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, trong khi giá mặt hàng này lại phụ thuộc chủ yếu vào giá của thế giới. Do đó, giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.
Thứ hai, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.
Cần theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá. |
Dù có nhiều yếu tố thuận lợi và hầu hết đều kỳ vọng lạm phát cả năm 2024 sẽ trong ngưỡng mục tiêu, tuy nhiên các chuyên gia nhận định vẫn có những yếu tố có thể gây áp lực lạm phát tăng trong 1/4 chặng đường còn lại.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá cho biết, trong những tháng cuối năm nay, cần theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát. Đơn cử như rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương. Đồng thời, theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.
Dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng gây áp lực lên lạm phát. Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí cần được cân nhắc thận trọng, phù hợp về mức độ cũng như thời điểm tăng giá.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đô la Mỹ có mức giá cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
"Các gói kích cầu, hạ mặt bằng lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công giúp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng cũng có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá nếu nguồn cung tiền không được kiểm soát hợp lý" - bà Oanh cho biết thêm.
Cuối cùng, hoạt động điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng là yếu tố có thể tác động đến lạm phát. “Nếu không thực hiện các điều chỉnh về giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý thì lạm phát trung bình năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,5%. Còn nếu thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng này, thì sẽ cần tính toán để lạm phát trung bình cả năm vẫn đạt mục tiêu đã đề ra”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định.
Cá khô, cá hộp “lên đời” thời lạm phát |
CPI 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% |
Xuất khẩu tôm: Điểm sáng từ một số thị trường nhỏ |