Tiêu thụ điện lên mức kỷ lục 1,025 tỷ kWh. |
Số liệu mới nhất từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, trong tháng 6, cả công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ theo ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng rất cao.
Cụ thể, vào lúc 13h30' ngày 19/6, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đã lên tới 49.533 MW. Còn sản lượng tiêu thụ toàn quốc lên mức kỷ lục 1,025 tỷ kWh vào ngày 14/6.
Ngày 28/5, tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 1 tỷ kWh, đạt 1,0019 tỷ kWh tiêu thụ trong ngày.
“Dù tiêu thụ điện toàn quốc đã thiết lập các mức kỷ lục mới như trên nhưng nếu không có mưa vào chiều tối trong một số ngày gần đây thì mức tiêu thụ điện kỷ lục có thể còn lên cao hơn nữa cả về công suất và sản lượng. Tình trạng tăng cao về tiêu thụ điện cũng gia tăng áp lực đáng kể về cung cấp điện”, đại diện A0 cho hay.
Với tinh thần tìm mọi giải pháp đảm bảo cung cấp điện trong mọi tình huống, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang cùng các đơn trong ngành chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành tối ưu hệ thống điện, thị trường điện, tăng cường nhập khẩu điện, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
"Đến nay, các giải pháp này đều mang lại hiệu quả cao với kết quả là từ đầu năm đến nay, việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân đã được đảm bảo tốt trong khi mức độ tiêu thụ điện thực tế tăng trưởng cao hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến", EVN cho hay.
Vì sao vẫn xả lũ?
Lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc lập kỷ lục mới. Nguồn: EVN |
Mặc dù lượng tiêu thụ điện luôn ở mức cao nhưng từ ngày 11/6, các hồ Tuyên Quang đã phải mở 1 - 2 cửa xả đáy. Ngày 15/6, từ 13h, hồ Sơn La đã phải mở một cửa xả đáy và đã đóng lại lúc 18h cùng ngày. Diễn biến này khác trước đó khi từ tháng 4, ngành điện cho biết đã phải tích trữ và tiết kiệm nước, "để dành" nhằm ưu tiên cho phát điện vào cao điểm mùa khô.
Sản lượng còn lại trong hồ tính đến 0h ngày 16/6 của toàn hệ thống là 7.973,3 triệu kWh, cao hơn 2.987,3 triệu kWh so với kế hoạch năm. Nước về các hồ thủy điện ở miền Bắc cao hơn từ 109 - 230% như hồ Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Trung Sơn và Bắc Hà, nhưng các hồ còn lại lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt 33 - 92%.
Trong khi đó, các hồ ở miền Trung có diễn biến nước về thấp hơn nhiều so với trung bình từ 7 - 84%, còn miền Nam đều có mực nước thấp hơn so với trung bình (trừ hồ Đồng Nai 2, Đa Nhim).
Một chuyên gia ngành điện cho hay do thiết kế các hồ khá an toàn linh hoạt, vừa có cửa xả đáy, vừa có cửa xả mặt, nên khi nước về, các hồ sẽ vận hành tùy vào thực tế. Trong điều kiện cung ứng điện mùa khô căng thẳng, việc trữ nước, tiết kiệm nước để dành cho phát điện vào đợt cao điểm mùa khô sẽ được ưu tiên hàng đầu.
Cũng theo vị này, với các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà..., có hồ chứa nên có thể tích được nước trong hồ. "Với các thủy điện nhỏ không có hồ chứa, khi nước về sẽ không tích lại được, nên buộc chủ đầu tư phải xả lũ khi có mưa to, nước về đột xuất, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của công trình", vị này giải thích.
Thực tế ở miền Bắc, công suất các nhà máy thủy điện nhỏ khoảng 4.500MW, tương đương các nhà máy thủy điện lớn, nên tình trạng xả tràn khi nước về đột xuất cao diễn ra là nguyên tắc đảm bảo an toàn công trình thông thường.
Nắng nóng, sản xuất và tiêu thụ điện tăng 13,7% |
Ngày 2/9 năm nay tiêu thụ điện tại Hà Nội tăng gần 60% |
Tiêu thụ điện lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 1 tỉ kWh |