Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh. |
Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Với giá điện tăng thêm 4,8%, nâng tổng mức tăng giá điện gần hai năm qua lên tới trên 12%, nhiều doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng phải tìm cách xoay xở để giảm chi phí tiền điện, giảm áp lực giá cả ngày càng tăng cao.
Vì sao EVN phải tăng giá bán điện?
Với hộ sinh hoạt, giá bán lẻ điện có 6 bậc, thấp nhất là bậc 1 (0 - 50kWh) với giá 1.893 đồng/kWh, và cao nhất là bậc 6 (từ 401kWh trở lên) với giá 3.302 đồng/kWh.
Với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 200kWh trở xuống, khoảng 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35%, theo EVN, chi phí tiền điện tăng thêm không nhiều, chỉ vào khoảng 13.800 đồng/hộ.
Tuy nhiên với hộ sinh hoạt sử dụng điện từ 201kWh trở lên, chi phí sử dụng điện tăng cao hơn. Trong đó với nhóm sử dụng điện từ 400kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28%), tiền điện tăng khoảng 62.150 đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Xuân Nam - phó tổng giám đốc EVN, giá điện thực tế tăng cao hơn nhiều, tuy nhiên EVN đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế nên quyết định mức tăng 4,8%.
Giá điện tăng cũng do áp lực chi phí đầu vào tăng mạnh, đặc biệt chỉ số giá than và giá khí - chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành điện - trong năm 2023 tăng cao hơn nhiều so với các năm trước.
Thời tiết nắng nóng diện rộng khiến cho EVN phải huy động tối đa nguồn nhiệt điện có giá cao.
Ngoài tổng lượng điện mua và nhập khẩu tăng thêm 11,8 tỉ kWh, các nguồn giá rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, EVN huy động các nguồn điện có giá đắt (nhiệt điện than, nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%.
Do nguồn phát điện chiếm tới 83% giá thành nên khi giá đầu vào tăng buộc EVN phải tăng giá bán điện.
Ông Trần Việt Hòa, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho hay năm 2022 và 2023 EVN lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Nếu giữ giá điện như cũ, EVN sẽ tiếp tục lỗ.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại EVN, tác động lớn tới hoạt động sản xuất - tài chính của tập đoàn này, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện và an ninh năng lượng.
Doanh nghiệp đẩy mạnh tiết kiệm điện
Tổng Công ty May 10. |
Theo ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% tạo thêm áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để ứng phó, doanh nghiệp đang nỗ lực áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp ý thức rằng việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục cuối năm nay.
Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, bản thân ngành dệt may đã đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó các doanh nghiệp đã sử dụng điện mặt trời (điện áp mái). Hiện nay, một số doanh nghiệp như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm bớt khó khăn về chi phí điện.
Từ thách thức của tăng giá điện thì các doanh nghiệp của ngành dệt may cũng phải tính toán đến thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.
Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Công ty Tầm Nhìn Việt cho rằng, tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu tài chính cho ngành điện hoạt động bền vững. Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn.
Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều cũng sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm; đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo tự dùng như điện mặt trời mái nhà.
Ông Nguyễn Đức Thăng, tổng giám đốc Công ty may Đáp Cầu, cho hay giá điện tăng kéo nhiều chi phí khác "ăn theo" làm cho chi phí sản xuất từ đầu năm nay tăng thêm 10%.
Giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh giảm, buộc doanh nghiệp phải tìm cách giảm các loại chi phí để tiết giảm tối đa, đặc biệt là giảm tiêu hao lượng điện sử dụng.
Phương án được ưu tiên là bố trí lại giờ sản xuất cho hợp lý, giảm thời gian sản xuất ở giờ cao điểm và tăng hiệu quả, hiệu suất sản xuất ở giờ thấp điểm có giá điện thấp.
Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đang tính toán lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời áp mái, vừa chủ động cung ứng điện vừa đáp ứng cho các đơn hàng tiêu chuẩn xanh của khách hàng.