Không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập gây thua lỗ. |
Biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia
Sáng 21/8, tại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, nếu như năm 2023, tình trạng thiếu điện cục bộ xảy ra thì tới năm nay đã có sự tiến bộ rất rõ.
Tuy nhiên, theo ông, cách tính giá bậc thang điện hiện nay chưa phù hợp với người dân. Trong đó, bậc 1 của điện sinh hoạt quy định mức sử dụng chỉ từ 0 – 50kWh. Ngoài ra, người dân còn bị chịu thuế giá trị gia tăng (VAT 10%).
Do đó, ông Phạm Văn Hòa đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh và tính toán xem có bỏ được thuế VAT hay không?
Trả lời, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên lý giải, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia để khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm. Bởi, điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều, càng ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện nay, Quyết định số 28 quy định biểu giá giá điện bán lẻ bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì đã sửa đổi Quyết định này.
Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ, giá điện bán lẻ được tính toán lại thành 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0 - 50 kwh lên 0 – 100 kWh, như đề xuất của ĐBQH.
Cách tính này, theo Bộ trưởng sẽ góp phần hỗ trợ người nghèo. Đồng thời, mức hỗ trợ người nghèo vẫn giữ như cũ, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới mức 30 kWh. Từ mức 30 đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Diên, để xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, dự thảo đề nghị điều chỉnh khung giá điện trong sản xuất, sinh hoạt tiệm cận hơn. Một số ngành sản xuất được điều chỉnh tương ứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ để đảm bảo không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
Không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập gây thua lỗ
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho hay cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng việc điều hành giá điện có nhiều bất cập và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện hơn 47.000 tỉ đồng trong năm 2022 và năm 2023.
Do đó, ông đề nghị bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết có đồng tình với nhận định này không và nêu giải pháp điều hành giá điện một cách tốt nhất trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không có chuyện điều hành giá điện có nhiều bất cập gây thua lỗ cho ngành điện. Ông nêu rõ Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản gồm quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và thanh tra, kiểm tra.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên. |
“Chúng tôi tự thấy trong tham mưu xây dựng chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện thực hiện tuân thủ theo luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực, Luật Giá. Theo đó, điện là một trong những mặt hàng phải bảo đảm bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước", ông Diên nói.
Về đầu vào, ông Diên cho hay hiện nay EVN là đơn vị duy nhất có chức năng mua bán điện, cung ứng điện, bảo đảm an ninh điện quốc gia nên phải mua theo cơ chế thị trường, đầu ra phải đảm bảo bình ổn giá.
Bởi giá điện có liên quan, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất khác. Điều này dẫn tới có sự chênh lệch giữa giá đầu vào và đầu ra.
"Như tôi đã có một lần báo cáo với Quốc hội, chênh lệch giá mua vào và bán ra của EVN đã khoảng 208 - 216 đồng/kWh", ông Diên thông tin thêm.
Để rà soát, sửa đổi cơ chế nhằm giúp EVN không thua lỗ trong tương lai, Bộ Công Thương đang tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới đây.
Việc sửa đổi theo hướng xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện; tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện, trong đó có giá sản xuất, điều độ và vận hành hệ thống điện…
Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đã có quyết định về việc đưa Trung tâm điều độ A0 về trực thuộc Bộ Công Thương, nhằm đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc vận hành, điều độ hệ thống điện, giữa các đơn vị phát điện và sử dụng điện.
Ngoài ra, Chính phủ cũng vừa ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời chuẩn bị ban hành nghị định khuyến khích về phát triển điện mặt trời áp mái. Những việc này từng bước làm thị trường điện hoàn hảo hơn.
"Hiện nay thị trường phát điện cạnh tranh, mua điện cạnh tranh đã thực hiện tương đối tốt, còn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện trong dự Luật Điện lực và sửa đổi các quy định hiện hành", ông Diên nhấn mạnh.
Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt dự án điện mặt trời mái nhà
Tại phiên chất vấn, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề cập tới việc ngành điện dừng mua sản lượng dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà của người dân, khiến họ chịu thiệt. "Bộ Công Thương có cách giải quyết thế nào để tiếp tục mua lượng điện dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà, nhất là ở khu vực phía Nam", bà hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đã giao Bộ này xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Theo đó, Nhà nước sẽ mua tối đa 20% công suất đặt dự án điện mặt trời mái nhà. Nhưng ông Diên nói đây cũng là thách thức, thậm chí có thể rủi ro cho an toàn hệ thống điện.
Ông phân tích, theo Quy hoạch điện VIII, tổng nguồn điện đến 2030 là 150.589 MW, trong đó năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) chiếm khoảng 27% mức cao trong cơ cấu nguồn điện. Do tính bất định của năng lượng tái tạo, để hệ thống điện hoạt động ổn định, không rủi ro thì cần nguồn điện nền (điện than, thủy điện...), khoảng 75-80%. "Việc nâng tỷ trọng điện tái tạo sẽ gây mất rủi ro an toàn hệ thống, lưới điện cơ sở. Để khuyến khích người dân lắp đặt chính sách đưa ra các cơ chế, nhưng cũng phải tôn trọng yếu tố kỹ thuật, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu đơn thuần", ông nói.
Bộ trưởng Công Thương nói thêm, dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cũng đưa ra các điều kiện ràng buộc, giám sát với nhà đầu tư, để giảm tránh tình trạng trục lợi chính sách hay rủi ro cho hệ thống điện.
"Hệ thống điện có thể bị sập nếu vận hành có sai sót. Chúng tôi tiếp thu kiến nghị của đại biểu, nhưng cũng phải tuân thủ các yếu tố kỹ thuật, pháp luật", ông Diên nói.
Nhiều hộ gia đình “sốc” khi nhận hoá đơn tiền điện |
Tiêu thụ điện lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 1 tỉ kWh |
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Về cơ bản năm nay không thiếu điện |