Tiết kiệm điện khi sử dụng quạt điều hòa đúng cách Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chỉ 2% hộ dùng phải trả tăng tiền điện EVN Hà Nội lên tiếng về hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi tháng vừa qua |
Tháng 4/2024 ghi nhận lượng điện sử dụng tăng đột biến. |
"Sốc" khi nhận hoá đơn tiền điện
Đầu tháng 5/2024, khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, nhiều hộ dân tại TPHCM “sốc” khi thấy tiền điện tăng cao. Nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài, người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao.
Anh Phan Trần, một cư dân ở chung cư Thủ Thiêm Xanh (TP Thủ Đức), cho biết bình thường tiền điện của nhà anh khoảng 450.000 đồng - 500.000 đồng/tháng. Nhưng hóa đơn tiền điện tháng 4/2024 của gia đình anh là gần 900.000 đồng. Kiểm tra lại trên ứng dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC CSKH) được cài trên điện thoại, cho thấy bình thường mức tiêu thụ điện của gia đình anh khoảng 30 kWh, thế nhưng có ngày lên tới 80 kWh (ngày 20/4). Anh Phan Trần nhớ lại: “Hôm đó là thứ Bảy, có mấy người em qua chơi ngủ lại và sáng hôm sau dạy trễ và sử dụng máy lạnh, nên dùng nhiều điện”.
Ông Cao ở Gò Vấp cho hay cả gia đình đều duy trì nhiệt độ phòng máy lạnh trên 26-28 độ C theo khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng tiền điện tháng 4 vẫn tăng 26% so với tháng 3 và gấp đôi so với tháng 1-2, lên 1,82 triệu đồng.
"Nhiều lần tôi đã phản ánh lên ngành điện nhưng họ chỉ đưa lý do là lượng điện tiêu thụ tăng cao, nguồn điện có thể bị rò rỉ và chẳng có giải pháp nào hướng dẫn cho người tiêu dùng", ông Cao bộc bạch.
Tại Hà Nội người dân cũng than phiền vì tiền điện tháng 4 tăng đột biến. Anh Nguyễn Minh An ở Hà Đông (Hà Nội) sốt ruột khi mới đầu hè nhưng tiền điện đã tăng hơn 50% so với những tháng trước. Thông thường, gia đình anh trả khoảng 1,7-2,5 triệu đồng. "Tiền điện tháng 4 vọt lên 3,3 triệu đồng, tăng cả triệu so với tháng trước và tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái", anh An nói.
Chung cảnh ngộ tiền điện tháng 4 tăng 20-50% so với tháng 3, nhiều hộ sử dụng điện tại TP HCM và Hà Nội "bật ngửa" vì đa phần số tiền này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trên các diễn đàn, hàng trăm tin nhắn trao đổi quanh nội dung "giá điện tăng sốc".
Lý do hóa đơn tiền điện nhảy vọt
Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao được lý giải do nắng nóng. Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sử dụng điện trong tháng 4 lập nhiều kỷ lục mới, sản lượng tiêu thụ có ngày gần chạm mốc 1 tỷ kWh.
Ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) - cũng cho rằng miền Nam nắng nóng bất thường kéo dài với nền nhiệt trung bình trên 35-40 độ C vào buổi trưa đã khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tại hộ gia đình tăng cao.
Thống kê của EVNHCMC cho thấy tháng tư, sản lượng tiêu thụ của toàn TP HCM đạt hơn 2,75 tỷ kWh, tăng 12,4% so với tháng 3. Đặc biệt, trong các ngày 24,25 và 26 tháng 4, lượng điện tiêu thụ của thành phố vượt 100 triệu kWh chứng tỏ công suất tiêu thụ đột biến.
Nắng nóng là "thủ phạm" khiến hóa đơn tiền điện tăng. Song, một lý do khác là hóa đơn tính tiền điện bị nhảy bậc theo biểu giá lũy tiến 6 bậc.
Trong số 2,47 triệu khách hàng là hộ gia đình trên địa bàn TP HCM, có đến 1,8 triệu khách hàng sử dụng điện từ bậc 4 trở lên (chiếm 75% tổng số khách hàng hộ gia đình) với sản lượng điện tiêu thụ trên 1,44 tỷ kWh (chiếm 52,38% tổng sản lượng và tăng 20% tháng 3/2024).
Trong đó, có những ngày tiêu thụ điện tại thành phố vượt 100 triệu kWh/ngày. Cụ thể, ngày 24/4 là 101,47 triệu kWh, ngày 25/4 là 103,99 triệu kWh và ngày 26/4 là 103,46 triệu kWh. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc hoá đơn tiền điện tháng 4 năm nay tăng cao so với các tháng trước.
Ngay từ những ngày đầu tháng 4/2024, EVNHCMC đã liên tục có những cảnh báo đối với khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 sẽ tăng đột biến do lượng điện năng tiêu thụ trong tháng 4 năm nay sẽ tăng cao vì thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài liên tục.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm so với tháng 4 nhưng vẫn còn ở mức cao, vì vậy EVNHCMC đề nghị và khuyến cáo khách hàng, các hộ gia đình thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt hơi nước…
Sản lượng điện tiêu thụ theo từng ngày trong tháng 4/2024. |
Cách tính bậc thang của ngành điện đang bất hợp lý?
Bất cập trên đang được Bộ Công thương xin ý kiến và dự kiến sửa đổi. Theo đó, Bộ đang lấy ý kiến hạ bậc trong biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc hiện nay xuống 5. Bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh thay vì 50 kWh như hiện hành, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên. Giá thấp nhất (bậc 1) khoảng 1.806 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.612 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
Bộ Công Thương cho biết phương án biểu giá điện 5 bậc thang được 92,2% ý kiến góp ý đồng tình, chỉ có 7,8% đồng ý phương án rút ngắn còn 4 bậc thang. Chênh lệch giữa bậc 1-5 là 2 lần phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Tuy nhiên, giới chuyên môn đánh giá biểu giá như trên sẽ tác động trực tiếp đến hộ tiêu dùng nhiều điện, chưa giải quyết được hết bất cập của biểu giá hiện hành (6 bậc). Tức là, các hộ càng sử dụng điện nhiều, mức giá lũy tiến ở các bậc thang càng cao, trực tiếp tác động tới hộ sử dụng từ 401 kWh trở lên.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chưa bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. "Cần có thêm doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các khâu truyền tải, phân phối điện để giảm tính độc quyền", ông nói, thêm rằng nhà chức trách nên xem xét lại mức tiêu thụ điện tối thiểu, phổ biến ở mức nào, để có mức giá phù hợp.
"Trong khi đó, đa số hộ dùng trên 400 kWh, với mức dùng đó chỉ trung bình nhưng giá điện phải trả tính bằng 162% giá bình quân là quá cao", ông Phú dẫn chứng.
Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đề nghị bỏ biểu giá bậc thang, áp dụng cách tính điện một giá, theo thị trường cạnh tranh.
Ngoài biểu giá điện bậc thang, thị trường còn tồn tại việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ở các mức độ khác nhau. Hiện, người tiêu dùng phải trả tiền điện bù cho sản xuất.
Theo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay, vào khung giờ bình thường, giá điện cho các ngành sản xuất (cấp điện áp từ 110kV trở lên) là 1.584 đồng một kWh, thậm chí vào giờ thấp điểm chỉ 999 đồng một kWh. Trong khi giá điện sinh hoạt bậc rẻ nhất 1.728 đồng một kWh, còn bậc cao nhất lên đến 3.015 đồng một kWh. Người dùng điện sinh hoạt, không có mức giá thấp hay cao điểm.
Theo chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tình trạng bù chéo giá điện giữa sản xuất và sinh hoạt sẽ gây thiệt thòi cho người dân, nên được "khắc phục và thu hẹp dần".
Chính phủ giảm tiền điện cho ba nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 |
Chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn giá quy định xử phạt thế nào? |
Bổ sung quy định cho vay qua các phương tiện điện tử |