Ngành bán lẻ cần tháo gỡ 4 “điểm nghẽn” để phát triển. |
Thương mại hiện đại phải dẫn dắt để thị trường
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Năm 2025, Bộ Công Thương đưa ra dự báo quy mô thị trường bán lẻ tăng lên 350 tỉ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách. Theo nhiều chuyên gia, để chứng tỏ sức hấp dẫn trong dài hạn, ngành bán lẻ Việt Nam cần rất nhiều giải pháp để tăng trưởng đột phá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, CEO Saigon Co.op, cho rằng với sự đóng góp của thương mại hiện nay, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung toàn nền kinh tế là mức tăng trưởng hai con số theo định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, ngành thương mại cần có xung lực thúc đẩy mạnh mẽ.
Ông Đức phân tích thêm: Để đạt được tốc độ tăng trưởng chung hai con số thì thương mại phải có tốc độ tăng trưởng khoảng 20% duy trì xuyên suốt từ năm 2025 đến năm 2030. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 9.000 khu chợ, 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa. Đối với quy mô phát triển hiện nay, thương mại truyền thống đóng góp khoảng 75% thị phần chung của thương mại. Nếu thương mại nói chung muốn đạt được tốc độ phát triển 20% thì cả thương mại truyền thống và thương mại hiện đại đều phải có sự tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt đối với thương mại hiện đại.
“Thương mại truyền thống vẫn nên giữ những khía cạnh cốt lõi và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Thương mại hiện đại phải dẫn dắt để thị trường phát triển ở một tầm cao mới, phù hợp với những định hướng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
"Trải thảm đỏ" với doanh nghiệp trong nước
Thương mại, đặc biệt là bán lẻ đóng vai trò rất quan trọng đối với tổng thể GDP của Việt Nam. |
Vẫn theo ông Nguyễn Anh Đức, thương mại, đặc biệt là bán lẻ đóng vai trò rất quan trọng đối với tổng thể GDP của Việt Nam. Để thương mại phát triển, theo góc độ cá nhân tôi cũng như các đơn vị bán lẻ, có một số điểm cần phải có sự đồng hành đồng bộ hơn.
Thứ nhất, việc phát triển hạ tầng thương mại cũng như những ngành hỗ trợ, thương mại phát triển được hay không vẫn phụ thuộc vào một số ngành khác như logistics, công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng về thanh toán.
Thứ hai, cần phát triển quy hoạch các vùng cung cấp nguyên liệu nhằm tạo nên một vị thế vững mạnh đối với chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Cần có sự phân công rõ ràng để tạo nên những hợp lực chứ không phải là cạnh tranh đối với cả các địa phương và các thành phần kinh tế khác nhau.
Thứ ba, việc xúc tiến để có những hiệp định thương mại đa phương và song phương, đồng thời tận dụng những hiệp định này để phát triển những thị trường bán lẻ cũng là một yếu tố rất cần thiết.
Thứ tư, cần có giải pháp mang tính chất quyết liệt để số hóa, ứng dụng những thành tựu công nghệ đối với lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ hiện đại. Đồng thời, niềm tin tiêu dùng cũng là một yếu tố quan trọng. Niềm tin tiêu dùng được gia tăng thì thương mại, bán lẻ mới có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao đối với thương mại hiện đại cũng như thương mại truyền thống.
Đối với hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam và nói chung và quốc tế nói riêng, đây là thời gian phát triển dựa trên các thế mạnh. Thế mạnh của chúng ta chính là các cửa hàng vật lý, vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Đức kỳ vọng, ngành bán lẻ sẽ tận dụng thế mạnh từ các cửa hàng vật lý để phát triển thương mại hiện đại, giúp cho khách hàng mua sắm bán lẻ trực tuyến vẫn có những trải nghiệm như tại cửa hàng vật lý. Đồng thời, giúp doanh nghiệp tháo gỡ được những phiền toái của cửa hàng vật lý mà khách hàng vẫn có không gian mua sắm và trải nghiệm cá nhân.
“Các doanh nghiệp bán lẻ nên kết hợp chuyển đổi từ thương mại vật lý sang thương mại phi vật lý dựa trên những thế mạnh của mình thông qua hệ thống logistics và những điểm bán cụ thể. Qua đó sẽ giữ được đối tượng mua hàng truyền thống, cũng như đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng”, ông Đức lưu ý các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM), cho rằng để ngành hàng bán lẻ Việt Nam tăng đột biến, cần hai giải pháp là thêm chính sách "trải thảm đỏ" với doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp FDI tham gia vào thị trường nội địa bắt buộc quy định phải liên doanh, chia sẻ thị phần lợi nhuận với doanh nghiệp trong nước để cùng tăng trưởng.
"Chúng ta chưa có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước như miễn thuế thuê đất.
Chúng ta hiện chỉ tập trung kêu gọi đầu tư trải thảm đỏ với doanh nghiệp nước ngoài như miễn tiền thuê đất có khi đến 50 năm, giảm thuế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp trong nước cũng cần được hỗ trợ để không bị lép vế", chuyên gia này phân tích.
Đặt ra giải pháp quy định liên doanh giữa doanh nghiệp nước ngoài "nhảy" vào thị trường nội địa, ông Huân dẫn câu chuyện của Trung Quốc.
Chính sách Trung Quốc quy định doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước này phải liên doanh chứ không 100% vốn nước ngoài, tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu là 40%. Như vậy sẽ cùng tạo sân chơi cho doanh nghiệp trong nước, tạo công ăn việc làm.
"Ngoài ra, họ cũng có quy định chuyển giao công nghệ nội địa để tự chủ. Hay Indonesia đã cấm Apple bán hàng vì đưa quy định tỉ lệ nội địa 40%.
Như Mercedes-Benz muốn bán xe ở Trung Quốc cần liên doanh với doanh nghiệp trong nước, có tỉ lệ nội địa hóa thì không thể sản xuất được mà cần doanh nghiệp trong nước. Cái này ta gọi là đứng trên vai người khổng lồ", ông Huân phân tích thêm.
Doanh nghiệp bán lẻ “mạnh tay” gia tăng lợi ích cho người tiêu dùng |
Sức mua tăng mạnh dịp lễ 2/9, hàng khuyến mãi hút khách |
iPhone 16 Pro Max xách tay về Việt Nam có giá bao nhiêu? |