Giá tiêu bật tăng mạnh, doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu khởi sắc Bứt tốc xuất khẩu nông sản cuối năm 2025 Củng cố thương hiệu gạo Việt Nam xuất khẩu |
Xuất khẩu tăng nhưng phụ thuộc khu vực FDI
![]() |
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, phản ánh sự phụ thuộc lớn vào khối FDI. |
Theo Cục Thống kê – Bộ Tài chính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 6/2025 đạt 76,15 tỷ USD, giảm nhẹ 3,2% so với tháng 5 nhưng vẫn tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1%, trong đó xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD (tăng 14,4%) và nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD (tăng 17,9%). Cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư 7,63 tỷ USD.
Riêng tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 39,49 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD (tăng 0,4%), trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,85 tỷ USD (giảm 0,4%). So với cùng kỳ năm 2024, xuất khẩu tháng 6 tăng 16,3%; tuy nhiên, trong khi khu vực FDI tăng mạnh tới 24,4% thì khu vực trong nước lại giảm 5,7%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu quý II/2025 đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và tăng 13,6% so với quý I. Lũy kế 6 tháng, khu vực trong nước xuất khẩu 58,28 tỷ USD (tăng 9,4%), chiếm 26,5% tổng kim ngạch; khu vực FDI đạt 161,55 tỷ USD (tăng 16,4%), chiếm 73,5%.
Những con số trên phản ánh rõ nét xu hướng tăng trưởng xuất khẩu hiện nay vẫn dựa phần lớn vào khu vực FDI. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước tuy có cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng. Đây là vấn đề đáng lưu ý trong chiến lược phát triển xuất khẩu bền vững của Việt Nam, nhất là khi năng lực nội địa còn mỏng và khả năng chống chịu trước biến động thương mại toàn cầu còn yếu.
Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế trong nước không chỉ có tỷ trọng thấp mà còn có mức tăng trưởng thiếu ổn định – thậm chí sụt giảm trong một số tháng, dù kim ngạch xuất khẩu chung vẫn tăng. Điều này phản ánh sức cạnh tranh và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa chưa tương xứng với tiềm năng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự lệ thuộc vào khu vực FDI có thể khiến xuất khẩu của Việt Nam dễ bị tác động từ các chính sách đầu tư, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng hoặc điều chỉnh chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ cấu xuất khẩu hiện nay tập trung cao vào nhóm hàng công nghiệp chế biến – đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, các nhóm hàng nông sản, lâm sản (19,12 tỷ USD – chiếm 8,7%), thủy sản (5,11 tỷ USD – chiếm 2,3%) và nhiên liệu, khoáng sản (1,32 tỷ USD – chiếm 0,6%) chỉ chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Điều này phần nào cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, nhưng cũng cho thấy xuất khẩu đang nghiêng nhiều về các ngành do khu vực FDI chi phối.
Việc gia tăng giá trị xuất khẩu nhưng thiếu lan tỏa sang khu vực doanh nghiệp nội là điểm nghẽn lớn nếu Việt Nam muốn nâng cao tính tự chủ và bền vững cho nền kinh tế. Đây là thách thức đặt ra cho chính sách phát triển năng lực doanh nghiệp trong nước – đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mở rộng thị trường, nâng chất hàng hóa
![]() |
Đa dạng hóa thị trường và nâng chất lượng hàng hóa là hướng đi bền vững để gia tăng giá trị xuất khẩu Việt Nam. |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 6/2025 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng 5. Trong đó, khu vực trong nước nhập khẩu 10,79 tỷ USD (giảm 0,7%), khu vực FDI đạt 25,87 tỷ USD (giảm 8,2%). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng nhập khẩu tháng 6 vẫn tăng 20,2%, trong đó khu vực trong nước giảm 2% nhưng khu vực FDI tăng mạnh 32,7%.
Tính riêng quý II, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 12,9% so với quý I. Lũy kế 6 tháng đầu năm, khu vực trong nước nhập khẩu 72,82 tỷ USD (tăng 10,4%), khu vực FDI đạt 139,38 tỷ USD (tăng 22,3%). Có tới 33 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng vượt mốc 5 tỷ USD.
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu tiếp tục nghiêng mạnh về nhóm tư liệu sản xuất, đạt 198,92 tỷ USD – chiếm 93,7% tổng kim ngạch, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 51,2%; nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 42,5%. Nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm 6,3%, tương ứng 13,28 tỷ USD.
Xét theo thị trường, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với giá trị 84,7 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 62 tỷ USD (tăng 29,1%), EU 19 tỷ USD (tăng 11,6%) và Nhật Bản 1,2 tỷ USD (tăng 69,1%). Trong khi đó, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 55,6 tỷ USD (tăng 42,2%), Hàn Quốc 14,6 tỷ USD (tăng 0,1%) và ASEAN 7,5 tỷ USD (tăng 67,4%).
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò then chốt của việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ 17 FTA đã ký với hơn 60 quốc gia và hơn 70 cơ chế hợp tác song phương. Đồng thời, doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng hàng hóa.
Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đề xuất, Chính phủ cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường lớn và phát huy hiệu quả các FTA đã ký kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng cần được đẩy mạnh.
Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và pháp lý quốc tế là yêu cầu cấp thiết. Hỗ trợ về vốn, công nghệ, các biện pháp phòng vệ thương mại và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường một cách hiệu quả.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, ngành đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách định hướng thị trường phù hợp với các luật chuyên ngành đã sửa đổi. Đồng thời, việc tháo gỡ điểm nghẽn và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, uy tín và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.