Xây dựng biểu tượng mùa vụ cho trái cây Việt |
Trái cây mùa vụ vẫn thiếu bản sắc thương hiệu
![]() |
Trái cây Việt Nam đa dạng chủng loại nhưng vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng nào được định vị rõ ràng trên thị trường quốc tế. |
Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, tạo nên nguồn trái cây phong phú theo mùa. Đây là lợi thế lớn trong xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, bài toán “được mùa mất giá” vẫn là nỗi lo thường trực bởi phần lớn trái cây Việt chưa có thương hiệu riêng rõ nét, nhất là đối với các loại nông sản chủ lực.
Theo bà Lê Thị Hồng Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La, tại nhiều vùng trồng trọng điểm như Sơn La, sản lượng trái cây mùa vụ như mận hậu, nhãn, xoài… rất dồi dào, nhưng sức tiêu thụ trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, khả năng bảo quản, sơ chế, chế biến sau thu hoạch lại chưa đáp ứng yêu cầu, khiến đầu ra phụ thuộc lớn vào tiêu thụ tươi và xuất khẩu nhỏ lẻ. Kết quả là tình trạng ùn ứ hàng hóa thường xảy ra khi vào chính vụ.
Trên thị trường quốc tế, trái cây Việt dù tươi ngon, chất lượng cao nhưng vẫn thiếu sự nhận diện thương hiệu. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group – nhận định: “Trái cây Việt rất tiềm năng, nhưng chưa có sản phẩm nào thật sự trở thành biểu tượng như kiwi của New Zealand, táo Washington của Mỹ hay nho mẫu đơn của Hàn Quốc. Trong khi đó, người tiêu dùng toàn cầu thường ưu tiên chọn những sản phẩm có thương hiệu rõ ràng, dễ nhận diện”.
Thực tế, nhiều loại trái cây Việt như vải, nhãn, thanh long đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, hầu hết chỉ xuất hiện theo mùa, chưa tạo được hình ảnh nhất quán hoặc dấu ấn thương hiệu quốc gia. Do vậy, trái cây Việt chưa trở thành lựa chọn quen thuộc hay được mong đợi hàng năm từ người tiêu dùng quốc tế.
Một thách thức khác là các rào cản kỹ thuật và yêu cầu riêng của từng thị trường. Đơn cử như với trái vải – loại trái cây có tính mùa vụ rõ nét – mỗi quốc gia nhập khẩu lại yêu cầu quy trình kiểm dịch khác nhau: Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng Methyl Bromide, Hàn Quốc bằng hơi nước nóng, còn Mỹ đòi hỏi chiếu xạ. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có một cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh đáp ứng tiêu chuẩn chiếu xạ vải xuất Mỹ, khiến doanh nghiệp phải vận chuyển sản phẩm từ miền Bắc vào Nam, vừa làm tăng chi phí, vừa ảnh hưởng đến chất lượng.
Theo bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, việc chưa đầu tư đầy đủ vào hệ thống chiếu xạ, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch đã khiến nhiều loại trái cây gặp khó trong giữ chất lượng và mở rộng thị trường. Điều này khiến trái cây Việt giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ như Trung Quốc, Mexico, Thái Lan hay Đài Loan.
Định vị thương hiệu theo từng thị trường mục tiêu
![]() |
Doanh nghiệp Việt chủ động quảng bá sản phẩm trái cây tại hội chợ quốc tế nhằm xây dựng thương hiệu nông sản theo từng thị trường mục tiêu. |
Để thích ứng với tính mùa vụ và yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm tiềm năng. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm gia tăng giá trị và ổn định đầu ra lâu dài. Ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ: “Chúng tôi đã bắt đầu định vị trái thanh nhãn như một loại trái cây đặc trưng của Việt Nam. Trước mùa vụ hơn một tháng, Vina T&T Group đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ Mỹ, cho thấy hiệu quả rõ rệt từ hoạt động xúc tiến sớm và đầu tư thương hiệu”.
Theo ông, mỗi quốc gia đều có những loại trái cây biểu tượng, trở thành "đại sứ thương hiệu" quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn một số sản phẩm đặc sắc để đầu tư bài bản từ chất lượng, bao bì, bảo quản đến quảng bá nhằm định vị sản phẩm trên thị trường toàn cầu.
Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – khẳng định: “Khi doanh nghiệp xác định được sản phẩm chủ lực và thị trường mục tiêu, Cục sẽ đồng hành xây dựng kế hoạch xúc tiến phù hợp – từ tổ chức hội chợ mini tại nước ngoài đến hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu quốc tế”.
Với trái thanh nhãn, Cục Xúc tiến thương mại đã bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đăng ký thương hiệu, đồng thời kết nối với các chương trình quảng bá tại Mỹ và Nhật Bản nhằm định hình vị thế mới cho sản phẩm. Về dài hạn, cần có chiến lược ở cấp vùng hoặc quốc gia trong việc lựa chọn một số loại trái cây đặc trưng để đầu tư phát triển thương hiệu.
Sự kết hợp giữa năng lực sản xuất, chính sách hỗ trợ và xúc tiến thương mại quốc tế sẽ giúp sản phẩm dễ truyền thông, dễ định vị và tạo dấu ấn trong tâm trí người tiêu dùng toàn cầu. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần chủ động chọn lựa sản phẩm đặc trưng, phối hợp cùng doanh nghiệp trong quy hoạch vùng trồng, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và kết nối với các hoạt động xúc tiến cấp Trung ương.
Đặc biệt, vai trò của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong việc cập nhật xu hướng thị trường, cung cấp thông tin tiêu dùng, kết nối đơn hàng và hỗ trợ logistics từ sớm. Đây là mắt xích quan trọng giúp trái cây Việt tiếp cận thị trường quốc tế một cách bài bản và ổn định hơn.
Thương hiệu chính là giá trị gia tăng bền vững nhất cho trái cây mùa vụ. Khi sản phẩm đã có chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, bài toán “được mùa mất giá” sẽ dần được tháo gỡ bằng chính năng lực cạnh tranh dài hạn. Việt Nam cần nhìn nhận rõ hơn vai trò của thương hiệu và coi đây là chiến lược then chốt để nâng tầm trái cây Việt trên chuỗi giá trị toàn cầu.