Vui buồn xuất khẩu nông sản Sơn La: Huyện Mường La chủ động phương án tiêu thụ, xuất khẩu nông sản Xuất khẩu nông sản là sân chơi của tiêu chuẩn |
Thách thức bủa vây nửa cuối năm
![]() |
Doanh nghiệp chế biến thủy sản tất bật đơn hàng cuối năm trong bối cảnh chi phí logistics và rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng. |
Trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 33,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cùng kỳ đó, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 12,8%. Dù không xảy ra nhập siêu, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu ở một số nhóm ngành như nguyên liệu chế biến, thức ăn chăn nuôi, phân bón... đã tạo thêm áp lực cho công tác điều hành nửa cuối năm.
Bước sang quý III và quý IV, ngành nông nghiệp phải đối diện với nhiều thách thức mới, đòi hỏi sự chủ động và khả năng ứng biến linh hoạt. Trở ngại đầu tiên đến từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Việc duy trì mức thuế đối ứng cao có thể khiến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm giảm khoảng 1,6 tỷ USD, tương đương 4,8% so với cùng kỳ. Điều này tác động mạnh tới những mặt hàng chủ lực đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ như gỗ, cá tra, tôm đông lạnh.
Song song đó, chi phí logistics tiếp tục tăng, trong khi các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu. Việc chi phí vận chuyển, kiểm dịch và kiểm tra chất lượng gia tăng đã làm đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt.
Đáng chú ý, trong khi một số mặt hàng như cà phê, hạt điều, thủy sản vẫn giữ đà tăng trưởng thì hai nhóm hàng chủ lực lại ghi nhận sụt giảm: gạo chỉ đạt 2,6 tỷ USD (giảm gần 10%), rau quả giảm sâu tới 17,1% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu đáng lo ngại về sự thiếu ổn định trong chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ – đặc biệt với những mặt hàng có tính mùa vụ cao, phụ thuộc nhiều vào các thị trường đặc thù.
Không chỉ đối mặt yếu tố bên ngoài, nội tại ngành nông nghiệp cũng còn không ít điểm nghẽn. Việc phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ứng dụng công nghệ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu… vẫn chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương và doanh nghiệp. Nếu không sớm tháo gỡ, những hạn chế này sẽ cản trở đà tăng trưởng trong giai đoạn “nước rút”.
Tăng tốc xuất khẩu giữ vững mục tiêu
![]() |
Nông dân thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên – một trong những mặt hàng chủ lực được kỳ vọng tăng tốc xuất khẩu quý cuối năm. |
Trước bối cảnh nhiều áp lực, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu từ quý III/2025, với mục tiêu đạt từ 14–15 tỷ USD trong quý III và trên 16 tỷ USD trong quý IV, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm 2025 lên 65 tỷ USD – mục tiêu lớn nhất của ngành trong giai đoạn 2021–2025.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, ba nhóm giải pháp trọng tâm đang được ngành tập trung triển khai. Thứ nhất là ổn định chuỗi cung ứng và đẩy mạnh các ngành hàng có dư địa tăng trưởng như cà phê, hạt điều, tôm, gỗ, rau gia vị... Bộ khuyến khích các địa phương mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chuẩn hóa quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu.
Thứ hai là tận dụng tối đa lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do đã ký, nhất là EVFTA, CPTPP và RCEP. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng chủ động mở rộng thị trường mới tại Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi – những khu vực còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.
Thứ ba là tổ chức lại hoạt động xuất khẩu theo hướng linh hoạt, phân bổ hợp lý thời điểm giao hàng để tránh dồn toa vào cuối năm. Các nhóm hàng phục vụ lễ, Tết như trái cây, thủy sản, gạo thơm cần được xúc tiến thương mại từ sớm. Bộ cũng yêu cầu tăng cường phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc để hạn chế tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, đặc biệt trong cao điểm cuối năm.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh chế biến sâu, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chuyển đổi số trong kiểm soát chất lượng được xem là “trợ lực” gia tăng giá trị xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã và đang chuyển hướng chiến lược từ chạy theo sản lượng sang tập trung vào giá trị gia tăng nhằm tạo vị thế vững chắc tại các thị trường khó tính.
Với sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, ngành nông nghiệp kỳ vọng sẽ không chỉ đạt mục tiêu kim ngạch 65 tỷ USD mà còn tạo dựng hệ sinh thái xuất khẩu bền vững hơn. Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo thu nhập cho nông dân, ổn định cán cân thương mại quốc gia và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.