Xuất khẩu nông sản kỳ vọng tăng tốc dịp cuối năm Nhiều nông sản xuất khẩu tới thị trường khó tính ngay tháng đầu năm mới Nông sản đang là “bức tranh sáng” trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa |
Ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục trong xuất khẩu. |
7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đánh giá năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục với nhiều kỷ lục trong xuất khẩu nông - lâm - thủy sản được xác lập.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu nông sản chính năm 2024 đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm trước; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%.
Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 1 so với năm 2023). Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,2 tỷ USD (tăng 20,3%); rau quả 7,12 tỷ USD (tăng 27,1%); gạo 5,75 tỷ USD (tăng 23% với lượng xuất khẩu là 9,18 triệu tấn, tăng 12,9%); cà phê 5,48 tỷ USD (tăng 29,1% với lượng 1,32 triệu tấn, giảm 18,8%).
Thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm, chú trọng thị trường trong nước; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn.
Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện tăng trưởng mạnh về kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ hàng Việt Nam bị cảnh báo về tiêu chuẩn chất lượng cũng gia tăng.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, nửa đầu năm 2024, Việt Nam có 57 lượt bị cảnh báo từ phía Liên minh châu Âu (EU), tăng hơn 80% so với cùng kỳ.
Cụ thể, một số mặt hàng như rau quả, gia vị, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm, cá, mực, các sản phẩm chế biến như tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở… bị cảnh báo do có dấu hiệu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kiểm soát vi sinh vật gây hại.
Điều này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó một số mặt hàng chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt bao gồm thanh long, đậu bắp, ớt và sầu riêng.
Không chỉ châu Âu mà Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam và từ lâu vẫn được coi là thị trường dễ tính, cũng không ít lần cảnh báo về chất lượng nông sản.
Theo thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào hồi tháng 6, có 77 lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng cadmium cao vượt mức cho phép, vi phạm quy định về nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. 77 lô sầu riêng này liên quan đến 33 nhà máy đóng gói và 40 vùng trồng.
Bên cạnh đó, 15 nhà máy đóng gói và 18 vùng trồng của Việt Nam đã bị cấm xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc kể từ tháng 6 vừa qua.
Chuẩn hoá để đi đường dài
TS Ngô Xuân Nam. |
Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong năm 2024, các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm. Như vậy, bình quân 1 ngày, Văn phòng SPS Việt Nam phải nhận 3 thông báo, có thông báo ra hàng trăm trang. Ví dụ, trong tháng 11/2024, Nhật Bản có tới 10 thông báo về thuốc bảo vệ thực vật, có loại thuốc giảm hoạt chất đến 10 lần. Trong tổng số thông báo này, chủ yếu rơi vào các thành viên của WTO mà chúng ta đang có giao dịch như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cũng có một số thay đổi.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường, các vùng trồng, vùng nuôi không còn con đường nào khác ngoài tuân thủ các quy định của thị trường Việt Nam và thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết các vùng nguyên liệu với cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; có cơ chế cùng kiểm soát, quản lý chất lượng.
Ngày 19/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 534/QĐ-TTG phê duyệt đề án: “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Theo đó, định hướng mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Khi đã đạt được mục tiêu này, hoạt động xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ suôn sẻ hơn và đạt được những mục tiêu lớn đã đề ra.
Đề cập đến vấn đề đểnông sản đi đường dài, TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị, tăng cường chế biến sâu là giải pháp cốt lõi. Khi chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không chỉ thị trường nội địa Trung Quốc mà bất cứ quốc gia nào, nông sản Việt Nam cũng đều có thể tiếp cận được. Về lâu dài, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao uy tín và thương hiệu cho nông sản Việt.
TS. Ngô Xuân Nam cho rằng, để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, yếu tố tiên quyết là cần có vùng nguyên liệu tốt. Điều này đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp cần đồng quản lý, kiểm soát, giám sát chất lượng từ vùng nguyên liệu. Nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì khả năng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm là rất cao. SPS Việt Nam cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và các quy định nhập khẩu của phía Trung Quốc thông qua các cơ quan chức năng.
Theo ông Nam, các doanh nghiệp nhất định phải giữ được chữ “tín”; cần thận trọng, linh hoạt trong giao dịch với các đối tác nói chung, bạn hàng Trung Quốc nói riêng để giữ uy tín, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chuẩn hóa chất lượng nông sản nên được xem là “kim chỉ nam” cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Chỉ cần một lô hàng nông sản bị cảnh báo hoặc trả về, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ riêng ngành hàng đó mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nông sản Việt nói chung.
“Chính vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu”, ông Nam nhấn mạnh.
Nông sản Việt nối dài “kỳ tích” xuất khẩu |
Nông nghiệp Việt nối dài "kì tích" xuất khẩu |
Nông sản trong nước và quốc tế thu hút người tiêu dùng ở Thủ đô Hà Nội |