Giá nông sản tăng cao hơn 50%
Nếu như năm 2023, nhóm hàng lâm sản, thủy sản xuất khẩu giảm sâu, thì ngay những tháng đầu năm đã ghi nhận sự phục hồi mạnh. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói, hầu hết các mặt hàng nông, lâm sản đều ghi nhận chiều hướng gia tăng giá trị xuất khẩu. Điển hình là nhóm nông sản chính, như gạo, rau, quả, cà phê… đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%.
Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần. Điểm đáng chú ý là hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá xuất khẩu bình quân tăng cao so với cùng kỳ, như: gạo 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
Đặc biệt, nếu như năm 2023, nhóm hàng lâm sản, thủy sản xuất khẩu giảm sâu, thì ngay những tháng đầu năm đã ghi nhận sự phục hồi mạnh. Trong 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng lâm sản đã thu về 2,9 tỷ USD, tăng 59,7% và nhóm hàng thủy sản là 1,37 tỷ USD, tăng 28,9%.
Nguyên nhân của tăng trưởng một phần nhờ nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, nhất là đối với mặt hàng gạo và cà phê. Tuy nhiên, yếu tố góp phần không nhỏ vào giá xuất khẩu cao của nhiều mặt hàng chính là chất lượng nông sản của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhiều quốc gia, khu vực. Cụ thể như mặt hàng gạo, hiện nay, giá xuất khẩu trung bình các loại gạo thơm của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) ở mức 800 USD đến hơn 1.000 USD/tấn
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang EU bị cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này phần nào khẳng định chất lượng và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Hay đối với mặt hàng cà phê, giá xuất khẩu cao là do ngành cà phê Việt Nam được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta tiếp tục duy trì ở mức cao vì thiếu hụt nguồn cung và xu thế tiêu dùng mới trên thế giới. Mặt khác, thời gian qua, ngành cà phê Việt Nam đã chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là từng bước triển khai việc đáp ứng Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU.
Một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê đã triển khai chương trình “dấu chân carbon”; chương trình thử nghiệm mô hình không phát thải carbon trong sản xuất cà phê để phân tích lượng phát thải thực tế, từ đó có những điều chỉnh thích hợp về việc sử dụng nước, năng lượng, vật tư nông nghiệp, quản lý phế phụ phẩm nông nghiệp… nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những yếu tố giúp ngành cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao giá bán vào thị trường EU và nhiều quốc gia khác trên thế giới thời gian tới.
Thời điểm “vàng” của nông lâm sản Việt Nam
Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm với 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch. |
Hiện nông sản đang là “bức tranh sáng” trong tổng thể hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng đầu năm nay, với nhiều điểm đột phá. Các chuyên gia nhận định, với "cánh cửa" mở rộng tại nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2024 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 55 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2023 là năm khó khăn đối với ngành gỗ và lâm sản. Nhu cầu của hầu hết các thị trường nhập khẩu đều giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động. Thế nhưng, sự hồi phục của thị trường những tháng đầu năm 2024 đang giúp ngành này kỳ vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 17 tỷ USD trong năm nay. Hiện tại, các doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đến tháng 4 và tháng 5/2024.
Cùng với gỗ và lâm sản, mặt hàng rau, quả tiếp tục là “tâm điểm” của nông sản Việt Nam. Liên tiếp các đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã giúp mặt hàng này thu về hơn 815 triệu USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, rau, quả là mặt hàng tăng mạnh của nông sản Việt Nam trong năm 2024. Mặt hàng này đang có mặt ở hầu hết các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… Đáng chú ý, chất lượng, mẫu mã, chủng loại rau quả Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng và đánh giá cao.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm với 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, gồm: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây. Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu các sản phẩm rau, quả chế biến từ Việt Nam. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh, với 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Từ lâu, Việt Nam đã là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng giá trị kim ngạch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành nghề, không chạy theo số lượng mà tập trung tăng chất lượng sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy chế biến sâu trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải, hướng tới tăng trưởng xanh.
Chính vì vậy, nhiều thị trường nhập khẩu đã quan tâm hơn, ưa chuộng hơn và sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho nông sản Việt Nam. Điều đó không chỉ làm tăng kim ngạch xuất khẩu, mà quan trọng hơn đã tác động trực tiếp, sâu sắc đến tư duy sản xuất của nông dân, tư duy kinh doanh của doanh nghiệp nông nghiệp - gốc rễ bền vững cho tiến trình hình thành nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch và trách nhiệm.
Đánh giá chung về bức tranh xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm 2024, theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đây là thời điểm “vàng” của nông lâm sản Việt Nam, khi được thị trường thế giới đón nhận, công nhận… Ngoài ra, nhu cầu nông lâm sản, thực phẩm dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2024 do biến động chính trị, tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, thuận lợi nhiều, song khó khăn, thách thức cũng không ít. Điều đáng lưu tâm nhất hiện nay là vấn đề chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tình hình vi phạm kiểm dịch thực vật trên cây ăn trái xuất khẩu trong thời gian qua là đáng báo động. Việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo đảm chất lượng và đặc biệt là duy trì điều kiện để đáp ứng theo các nghị định thư, cũng như các văn bản khác đang bị doanh nghiệp buông lỏng.
Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã nhận được 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật hàng xuất khẩu, gồm: Chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt. Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật còn nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng thực phẩm của nước ta xuất khẩu sang một số thị trường, như: Liên minh châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nhưng sau đó bị trả về, do không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tương tự, các mặt hàng hạt điều, gỗ và lâm sản, thủy sản… cũng nhận được những cảnh báo từ một số thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Cục đang cùng với các địa phương, doanh nghiệp siết chặt quản lý trong việc cấp và duy trì mã vùng trồng. Hiện tại, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính, như xoài, thanh long, nhãn, lúa gạo, sầu riêng.
“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ trong thanh tra, điều tra, xử lý các vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững”, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết thêm.