Người tiêu dùng Việt chi bao nhiêu tiền cho sữa mỗi tháng? Sữa, mì gói, bánh kẹo Việt lên ngôi tại Campuchia: Vì sao người tiêu dùng tin chọn? Bao bì xanh lên ngôi mở đường cho xuất khẩu |
![]() |
Tiêu dùng trong nước tăng chậm, doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn. |
Tăng trưởng cao nhưng sức mua và tâm lý tiêu dùng vẫn “đóng băng”
Theo số liệu mới công bố, tăng trưởng GDP quý II năm 2025 đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đứng sau quý II/2022 về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2020 – 2025. Tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 7,52%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa thực sự phản ánh được tình trạng tiêu dùng trong nước. Mặc dù thuế giá trị gia tăng đã được giảm 2%, nhiều hộ gia đình như nhà chị Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn tiếp tục chi tiêu thận trọng. Gia đình chị cho biết thu nhập chưa tăng trong khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang, cộng thêm nỗi lo về khả năng ảnh hưởng của chính sách thuế đối ứng tới công việc khiến họ phải “thắt lưng buộc bụng”.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nửa đầu năm chỉ tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái – một con số khiêm tốn so với mức tăng trưởng GDP. Điều này cho thấy mức sống của người dân chưa theo kịp đà phục hồi kinh tế, dẫn tới tâm lý tiết kiệm, e dè trong chi tiêu.
Khảo sát của NielsenIQ trên 70 mặt hàng FMCG chủ lực cho thấy tổng giá trị tiêu dùng không tăng so với cùng kỳ (0%), trong khi bình quân các năm trước đạt khoảng 2% mỗi tháng. Thậm chí, tăng trưởng chủ yếu đến từ tăng giá sản phẩm, trong khi sản lượng tiêu dùng thực tế lại giảm – một tín hiệu cho thấy nhu cầu thị trường đang đi xuống.
Tín dụng và tăng trưởng dựa vào khu vực công, bất động sản chiếm ưu thế
Sự gia tăng mạnh mẽ của GDP trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hai động lực chính: xuất khẩu và đầu tư công. Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright), việc doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam để tránh các loại thuế mới đã khiến xuất khẩu tăng đáng kể. Trong cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432,03 tỷ USD – tăng 16,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 17,9%.
Tuy nhiên, rủi ro thuế đối ứng vẫn là nỗi lo lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Dù chưa rõ mức thuế mới sẽ áp dụng ra sao, khả năng Mỹ thiết lập mặt bằng thuế cao hơn là rất lớn.
Về đầu tư công, mức giải ngân tăng vọt 25% so với năm ngoái – một con số ấn tượng chưa từng có. Đặc biệt, đây là năm mà chi ngân sách vượt thu – trái ngược với xu hướng của những năm trước, cho thấy chính sách tài khóa đang hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Mặt khác, các chỉ số về tiền tệ cũng cho thấy xu hướng hỗ trợ tăng trưởng tiếp tục diễn ra. Trong nửa đầu năm, tín dụng tăng 8,3%, cung tiền tăng 7,1% - cao hơn rất nhiều so với mức 2,1% cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Ông Trần Ngọc Báu – CEO Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup. Ảnh: H.A |
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là dòng tiền tín dụng không đi vào sản xuất mà chủ yếu chảy vào bất động sản. Theo ông Trần Ngọc Báu (CEO WiGroup), tín dụng trong lĩnh vực sản xuất hầu như không tăng, trong khi tín dụng bất động sản tăng mạnh – đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. Điều này phản ánh sự lệch pha giữa dòng tiền tín dụng và nhu cầu thực tế của nền kinh tế.
Thêm vào đó, cấu trúc vốn vay của các công ty bất động sản đã có sự dịch chuyển lớn. Nếu như trước đây, 60% nguồn vốn đến từ phát hành trái phiếu thì hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 30 – 40%. Phần thiếu hụt được bù đắp bằng vay ngân hàng, tạo áp lực lớn cho hệ thống tín dụng.
Ngoài khu vực công, một số lĩnh vực như giải trí, du lịch cũng đóng góp tích cực cho tăng trưởng, đặc biệt trong dịp lễ 30/4 – 1/5 với việc khai trương nhiều tuyến cao tốc mới. Tuy nhiên, mức đóng góp này vẫn mang tính mùa vụ và phân mảnh, chưa đủ để tạo ra sức bật bền vững cho tiêu dùng.
Trong khi đó, ngành bất động sản và xây dựng có dấu hiệu hồi phục sau nhiều năm suy giảm. Dù tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4,5%, vẫn thấp hơn mức trung bình toàn nền kinh tế, nhưng so với quá khứ thì đây là bước cải thiện đáng kể.
Tăng trưởng GDP và tín dụng trong nửa đầu năm 2025 đạt mức cao kỷ lục, cho thấy những nỗ lực phục hồi nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các vấn đề như tiêu dùng trì trệ, tín dụng sản xuất đình trệ, và rủi ro thuế đối ứng vẫn là những rào cản lớn. Nếu không có các giải pháp điều chỉnh kịp thời, tăng trưởng trong nửa cuối năm có thể đối mặt với nhiều thách thức và thiếu tính bền vững.
![]() |
![]() |
![]() |