Tiêu dùng nội địa đang tái định hình
![]() |
Người tiêu dùng tại đô thị ngày càng ưa chuộng mô hình mua sắm đa kênh, kết hợp giữa trực tuyến và cửa hàng vật lý. |
Là một trong những ngành có tốc độ quay vòng vốn nhanh và biên độ thị trường rộng, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang trở thành lực kéo quan trọng của nền kinh tế nội địa. Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tăng trưởng ổn định ở mức bình quân 6%/năm từ 2021 đến nay – một con số đáng kể trong bối cảnh sức mua toàn cầu có nhiều biến động.
Sức hấp dẫn của ngành không chỉ nằm ở quy mô thị trường mà còn đến từ nhịp độ tiêu dùng cao và tính thiết yếu của sản phẩm – từ thực phẩm, đồ uống, đến vệ sinh cá nhân, tẩy rửa. Tuy nhiên, chính đặc điểm đó cũng khiến ngành dễ bị tác động từ xu hướng tiêu dùng mới và các biến đổi trong hành vi mua sắm.
Trong vài năm gần đây, sự dịch chuyển từ mua hàng trực tiếp sang trực tuyến, từ đơn kênh sang đa kênh đã làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái ngành tiêu dùng. Người tiêu dùng không còn trung thành với một địa điểm hay thương hiệu cố định, mà ngày càng linh hoạt trong cách tiếp cận thông tin và mua sắm. Theo bà Trần Diệu Hương, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), “hiện có tới 73% người tiêu dùng đô thị Việt Nam tìm kiếm thông tin trên mạng trước khi quyết định mua hàng, và các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada đang trở thành kênh mua sắm quen thuộc”.
Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư cho điểm bán vật lý hoặc chiến lược giá, mà phải sẵn sàng xuất hiện trên những kênh người tiêu dùng đang hiện diện – từ sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, cho đến livestream. Mô hình bán hàng đang tái định hình toàn bộ ngành tiêu dùng nhanh theo hướng linh hoạt, minh bạch và cá nhân hóa.
Không chỉ vậy, các mô hình O2O (Online to Offline), BOPIS (Buy Online – Pick up in Store), hay tích hợp thanh toán số đang mở ra cơ hội tạo trải nghiệm liền mạch cho người mua. Điều này buộc doanh nghiệp phải không ngừng cập nhật, nếu không muốn bị lạc nhịp giữa làn sóng tiêu dùng thông minh và số hóa toàn diện.
Ứng dụng công nghệ tạo động lực mới
![]() |
Doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh livestream giới thiệu sản phẩm đặc sản nhằm mở rộng kênh phân phối và tiếp cận người tiêu dùng qua nền tảng số. |
Trong bối cảnh đó, số hóa toàn diện đang trở thành lựa chọn chiến lược của nhiều doanh nghiệp tiêu dùng nhanh. Không chỉ dừng ở việc bán hàng trực tuyến, chuyển đổi số hiện nay còn bao gồm cả các khâu như vận hành, logistics, xử lý đơn hàng và quản trị dữ liệu khách hàng.
Theo bà Đoàn Trang Hà Thanh, Giám đốc Vận hành Lazada Việt Nam, việc “số hóa hệ thống phân phối không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí vận hành mà còn nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, đặc biệt với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn như thực phẩm tươi sống”. Điều này đặc biệt quan trọng với ngành tiêu dùng nhanh vốn dựa vào tốc độ quay vòng và khả năng hiện diện kịp thời tại điểm bán.
Để tận dụng tối đa tiềm năng từ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt tham gia các chương trình “Mega Sales” do sàn thương mại điện tử tổ chức, triển khai bán hàng qua livestream, hoặc tích hợp công cụ AI và dữ liệu lớn để cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng. Những mô hình mới này không chỉ giúp tiết giảm chi phí tiếp cận khách hàng, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu hiện đại, gần gũi và minh bạch.
Ở góc độ chính sách, Nhà nước cũng đang thể hiện vai trò “bệ đỡ” rõ nét. Hai nghị quyết lớn của Bộ Chính trị – Nghị quyết 57 về chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân – đều nhấn mạnh cần hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, các quy định pháp luật cần theo kịp thực tế phát triển nhanh chóng của mô hình bán hàng như O2O, livestream đa nền tảng và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bà Trần Diệu Hương cũng nhấn mạnh: “Các giải pháp hỗ trợ thời gian tới cần đồng bộ về thể chế, hạ tầng và công nghệ. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống logistics hiện đại, có kho lạnh bảo quản thực phẩm, hay các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thương mại điện tử nội địa phát triển bền vững”.
Từ góc nhìn đó, có thể thấy ngành hàng tiêu dùng nhanh không chỉ là lĩnh vực thu hút dòng tiền lớn, mà còn là nơi thể hiện rõ ràng nhất sự chuyển mình của nền kinh tế tiêu dùng trong kỷ nguyên số. Phát triển ngành này một cách chiến lược không chỉ tạo thêm việc làm, tăng năng suất mà còn là nền tảng quan trọng để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nội địa bền vững trong những năm tới.