Trái cây Việt tìm chỗ đứng bền vững toàn cầu Xây dựng biểu tượng mùa vụ cho trái cây Việt Xây dựng thương hiệu cho trái cây mùa vụ |
Chế biến sâu vẫn là mắt xích yếu
![]() |
Dây chuyền đóng gói trái cây tươi tại một cơ sở sơ chế, nơi vẫn còn thiếu liên kết với vùng nguyên liệu và công nghệ bảo quản hiện đại. |
Trong cơ cấu xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trái cây tươi vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo. Đây vừa là lợi thế, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro khi ngành chưa phát triển đồng bộ khâu sau thu hoạch – đặc biệt là công nghệ bảo quản và chế biến sâu. Đặc thù trái cây Việt Nam có tính mùa vụ cao, sản lượng tập trung vào thời điểm ngắn khiến thị trường thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”. Khi xuất khẩu gặp khó hoặc bị siết kiểm dịch, lượng hàng tồn kho dễ gây thiệt hại dây chuyền cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch rau quả chế biến hiện mới chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Trong khi đó, tại Thái Lan hay Trung Quốc – những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam – tỷ lệ này lên tới 50–60%. Điều đó cho thấy ngành trái cây Việt vẫn quá phụ thuộc vào xuất khẩu tươi, thiếu đa dạng trong cơ cấu sản phẩm để thích ứng linh hoạt với biến động thị trường.
Bài học từ mặt hàng sầu riêng cho thấy rõ điều này. Trong 6 tháng đầu năm 2025, do phải đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch khắt khe từ phía Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã sụt giảm tới 67%, kéo theo đà giảm chung toàn ngành rau quả. Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – nhận định: “Chúng ta vẫn đặt trọng tâm vào xuất khẩu tươi, trong khi thị trường ngày càng đòi hỏi sản phẩm có thời hạn bảo quản dài, vận chuyển thuận tiện và đảm bảo an toàn thực phẩm. Những tiêu chí đó chỉ có thể đạt được khi đầu tư nghiêm túc vào chế biến sâu”.
Không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chế biến sâu còn liên quan đến nhận thức và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Nhiều hợp tác xã, nhà vườn vẫn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến. Tỷ lệ trái cây sau thu hoạch được đưa vào chế biến còn rất thấp, phần lớn phải bán tháo hoặc tiêu thụ nội địa khi xuất khẩu gặp khó. Tình trạng này đang kìm hãm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, công nghệ bảo quản hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường cao cấp. Không ít doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được kho lạnh đạt chuẩn, hệ thống đóng gói hiện đại hoặc dây chuyền xử lý sau thu hoạch. Nhiều lô hàng dù đạt tiêu chuẩn canh tác vẫn bị trả về do chất lượng không đảm bảo trong quá trình vận chuyển dài ngày – đặc biệt là khi xuất khẩu đến các thị trường xa như EU hay Mỹ.
Gia tăng giá trị bằng công nghệ lạnh
![]() |
Sản phẩm sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc, cho thấy tiềm năng lớn từ đầu tư vào chế biến sâu và công nghệ cấp đông. |
Trong bối cảnh nhiều thị trường siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, phát triển chế biến sâu không còn là giải pháp tình thế, mà đang trở thành chiến lược sống còn để gia tăng giá trị trái cây xuất khẩu. Theo các chuyên gia, chế biến sâu có thể giúp giá trị nông sản tăng từ 2 đến 3 lần so với hàng tươi, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận các thị trường cao cấp.
Một minh chứng điển hình là sự tăng trưởng mạnh mẽ của mặt hàng sầu riêng đông lạnh trong nửa đầu năm 2025. Theo số liệu từ Cục Hải quan, lượng xuất khẩu mặt hàng này đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 14.000 tấn. Sản phẩm sầu riêng đông lạnh không chỉ khắc phục nhược điểm bảo quản ngắn của trái cây tươi, mà còn đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm – đặc biệt tại hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Vina T&T Group – cho rằng: “Đầu tư vào dây chuyền chế biến, kho lạnh và đóng gói hiện đại là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Không thể cứ mãi chạy theo hàng tươi mà bỏ qua khâu sau thu hoạch – bởi đây mới là nơi tạo ra giá trị gia tăng thực sự”.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư vào công nghệ sấy lạnh, cấp đông, chiết xuất tinh dầu và sản xuất nước ép – tạo ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng như xoài sấy, dừa sấy giòn, nước chanh leo đóng chai, vải đông lạnh… Những sản phẩm này không chỉ kéo dài thời gian bảo quản mà còn đáp ứng nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng hiện đại tại các đô thị lớn trên thế giới.
Chuyên gia nông nghiệp Trần Quốc Dũng nhận định: “Việc mở rộng danh mục sản phẩm chế biến sẽ giúp doanh nghiệp Việt tránh được rủi ro khi thị trường hàng tươi gặp trục trặc. Quan trọng hơn, đó là cách để chiếm lĩnh thị phần dài hạn và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam có vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế”.
Bên cạnh đó, phát triển chế biến sâu cũng mang lại đầu ra ổn định hơn cho người nông dân. Khi trái cây có thể được thu mua để chế biến thành các sản phẩm thứ cấp, giá thu mua sẽ không còn bấp bênh theo mùa vụ. Mặt khác, tiêu chuẩn nguyên liệu cho chế biến thường “thoáng” hơn so với hàng tươi, tạo cơ hội tiêu thụ cả với những loại trái cây hình thức không đẹp nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn.
Về chính sách, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xác định chế biến sâu là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành rau quả đến năm 2030. Cùng với đó, nhiều chương trình đang được triển khai để hỗ trợ đầu tư công nghệ sau thu hoạch, kết nối vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm chế biến.
Việc phát triển chế biến sâu không chỉ góp phần giải bài toán mùa vụ mà còn là chìa khóa để nâng tầm thương hiệu trái cây Việt trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và yêu cầu chất lượng ngày càng cao – chế biến sâu không còn là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện bắt buộc. Khi Việt Nam đầu tư đúng vào công nghệ, chất lượng và chiến lược sản phẩm, trái cây Việt hoàn toàn có khả năng chinh phục các thị trường khó tính nhất thế giới.