Cục Thống kê dự báo tác động thuế đối ứng từ Hoa Kỳ đến GDP Việt Nam Tăng giá trị xuất khẩu nhờ chế biến sâu trái cây Phát triển thị trường mới cho rau quả Việt |
![]() |
Xuất khẩu nông thủy sản tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2025. |
Khai phá thị trường mới: Từ châu Âu, châu Phi đến các quốc gia Hồi giáo
Trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành nông thủy sản Việt Nam đã chứng kiến nhiều tín hiệu tích cực bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức. Một trong những động lực lớn đến từ việc chủ động khai thác các thị trường mới nổi, thay vì quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống vốn ngày càng cạnh tranh gay gắt và chịu ảnh hưởng của các biện pháp bảo hộ.
Một điểm sáng đáng chú ý là Lithuania, quốc gia Đông Âu với vị thế là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 12 trong EU. Từ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Lithuania mới chỉ đạt 229.000 USD. Nhưng đến năm 2024, con số này đã tăng lên đến 16 triệu USD – gấp 69 lần. Trong 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch tiếp tục duy trì mức cao 8 triệu USD. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu tăng mạnh từ thị trường sở tại mà còn cho thấy khả năng định vị sản phẩm cá ngừ Việt trong chuỗi cung ứng khu vực Đông Âu – nơi có dân số tiêu dùng lớn và ít rào cản hơn so với Tây Âu.
Song hành với đó là thị trường Halal – nhóm các quốc gia có dân số theo đạo Hồi. Với hơn 2 tỷ người tại 112 quốc gia, chiếm khoảng 25% dân số toàn cầu, nhóm thị trường này đang tiêu thụ hơn 63% sản phẩm Halal toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi đang được xem là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập vào thị trường Halal. Xuất khẩu cá ngừ vào nhóm thị trường này đã tăng mạnh từ 83 triệu USD năm 2021 lên 113 triệu USD năm 2024 (tăng 35%). Các quốc gia như Malaysia, Brunei đều ghi nhận mức tăng đáng kể (tương ứng 36% và 24%).
Không thể không nhắc đến châu Phi – thị trường đang dần trở thành “cứu tinh” cho nông sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh giá gạo thế giới giảm mạnh do thay đổi chính sách của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Indonesia hay Philippines. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà tăng đến 89% so với cùng kỳ, đưa nước này thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Philippines. Tương tự, xuất khẩu sang Ghana tăng 61%, phản ánh nhu cầu cao và ổn định từ khu vực này, nhất là khi các nước châu Phi đang đối mặt với biến đổi khí hậu và mất mùa cục bộ.
Đổi mới sản phẩm và phân khúc để gia tăng giá trị xuất khẩu
![]() |
Trong ngành cà phê – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch 6 tháng đầu năm ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ. |
Song song với việc mở rộng thị trường, một xu hướng rất đáng chú ý là đa dạng hóa phân khúc sản phẩm – đặc biệt là chuyển hướng từ xuất khẩu thô sang sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao. Đây được xem là bước đi tất yếu để giữ vững lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng cho nông thủy sản Việt.
Trong ngành cà phê – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, kim ngạch 6 tháng đầu năm ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ. Ngoài các thị trường truyền thống tại châu Âu như Đức (tăng gấp 2,2 lần), Ý (tăng 45%) hay Tây Ban Nha (tăng 56%), một điểm đột phá là thị trường Mexico, nơi lượng nhập khẩu cà phê Việt tăng tới 72 lần. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của cà phê Việt Nam, không chỉ ở thị trường tiêu dùng lớn mà còn cả tại những nơi có truyền thống sản xuất mạnh như châu Mỹ Latinh.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt không còn chỉ xuất khẩu cà phê thô mà đã bắt đầu tập trung mạnh vào sản phẩm chế biến sâu như cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Trung Nguyên Legend đã khởi công Nhà máy Cà phê năng lượng tại Buôn Ma Thuột với vốn hơn 2.000 tỷ đồng, định vị lại toàn bộ chuỗi giá trị cà phê Việt. Trong khi đó, Intimex cũng nâng công suất lên gấp đôi, đạt 8.000 tấn/năm, thể hiện tham vọng mở rộng thị phần trên toàn cầu.
Không chỉ cà phê, ngành thủy sản cũng ghi nhận bước tiến lớn nhờ việc phát triển dòng sản phẩm surimi – thịt cá xay đã qua xử lý tinh chế. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu chả cá và surimi đạt hơn 140 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng trên 30%.
Việc phát triển sản phẩm chế biến sâu không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu mà còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, tiện lợi và truy xuất nguồn gốc – những tiêu chí quan trọng tại các thị trường phát triển. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến xây dựng thương hiệu nông thủy sản Việt vững mạnh.
Chiến lược đa dạng hóa thị trường và phân khúc sản phẩm đang chứng minh là hướng đi đúng đắn và hiệu quả cho ngành nông thủy sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều rủi ro. Việc không ngừng mở rộng sang các thị trường ngách, kết hợp với nâng cao chất lượng, chế biến sâu và đổi mới sản phẩm đang giúp doanh nghiệp Việt vượt qua các rào cản thương mại và vươn ra thế giới. Để duy trì đà tăng trưởng bền vững, ngành nông nghiệp cần tiếp tục được hỗ trợ bằng các chính sách thương mại linh hoạt, xúc tiến thị trường bài bản và đầu tư cho khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến.
![]() |
![]() |
![]() |