![]() |
Hàng hóa đang trên đường đến Mỹ sẽ không bị áp thuế đối ứng. |
Bắt đầu từ 0h ngày 5/4 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức triển khai đợt áp thuế đối ứng đầu tiên, đánh dấu bước đi cứng rắn trong chính sách thương mại mới của Washington.
Theo đó, tất cả các đối tác thương mại của Mỹ sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu bổ sung 10%, như đã được ông Trump công bố hôm 2/4.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), hàng đang trên đường đến Mỹ không bị đánh thuế đối ứng.
Cụ thể, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho biết các mặt hàng là sản phẩm của bất kỳ quốc gia nào đã được xếp lên tàu tại cảng xếp hàng và đang trong quá trình vận chuyển bằng phương thức vận tải cuối cùng trước khi nhập cảnh vào Mỹ trước 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 5/4 và được làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ, hoặc rút khỏi kho để tiêu thụ, vào hoặc sau 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 5/4 sẽ được miễn trừ thuế bổ sung 10%.
Tuy nhiên, để ngăn chặn các nhà nhập khẩu lợi dụng ngoại lệ dành cho hàng hóa đã đang trên đường vận chuyển trước ngày 5/4, CBP chỉ cho phép khai báo mã mục 9903.01.28 đối với hàng hóa được nhập khẩu để tiêu thụ, hoặc rút khỏi kho để tiêu thụ, trong khoảng thời gian từ sau 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 5/4 đến trước 12:01 sáng (giờ EDT) ngày 27/5.
Điều này có nghĩa là các lô hàng đã được xuất khẩu và đang trên đường đến Mỹ sẽ không bị đánh thuế đối ứng, miễn là chúng được làm thủ tục nhập khẩu trong thời gian quy định.
Ngoài ra một nội dung đáng chú ý khác trong bản tin là hàng hóa có giá trị từ Mỹ chiếm từ 20% trở lên (ví dụ bao bì, gia vị hoặc một phần nguyên liệu nhập từ Mỹ) sẽ được miễn trừ thuế nhập bổ sung 10% với phần hàm lượng có nguồn gốc từ Mỹ; chỉ áp thuế cho phần giá trị không đến từ Mỹ.
![]() |
Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số 1 về tôm, cá ngừ và thị trường số 2 về cá tra Việt Nam. |
Trước đó, theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có khoảng 37.500 tấn thủy sản của các doanh nghiệp đang trên đường vận chuyển tới Mỹ.
Phần lớn lượng hàng này thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam do thỏa thuận giao hàng tận kho Mỹ mới nhận tiền, do đó các doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa vì áp lực bị áp thêm thuế nhập khẩu bổ sung 10% và thuế đối ứng 46%.
Như vậy, với hướng dẫn từ phía Hải quan Mỹ, các lô hàng thủy sản Việt Nam có thể yên tâm không phải đóng thêm thuế nhập khẩu 10%. Phía VASEP đã khuyến nghị doanh nghiệp thủy sản chủ động lưu giữ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng vận chuyển,...để làm bằng chứng.
Phía Mỹ cũng thông báo hướng dẫn riêng cho các biện pháp về thuế đối ứng có hiệu lực từ ngày 9/4 sẽ được ban hành sau.
VASEP đánh giá, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm khoảng 2 tỷ USD, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, thị trường Mỹ không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam. Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong đó, 70% các sản phẩm xuất khẩu là thủy sản nuôi trồng (tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá nước ngọt khác) và 30% sản phẩm xuất khẩu là từ hải sản khai thác. Đặc biệt, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu số 1 về tôm, cá ngừ và thị trường số 2 về cá tra Việt Nam. Hiện có hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và có kế hoạch xuất thủy sản sang thị trường Mỹ với những đơn hàng lớn, giá trị cao. |