Xuất khẩu rau quả Việt Nam sẵn sàng tăng tốc Khai mở những thị trường xuất khẩu mới cho rau quả Việt Nam Từ thách thức đến cơ hội: Rau quả Việt đón sóng mới |
Xuất khẩu nửa đầu năm sụt giảm mạnh
![]() |
Thanh long vào vụ thu hoạch nhưng gặp khó trong tiêu thụ do xuất khẩu chững lại. |
Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 6/2025 đạt 704,8 triệu USD, tăng 14,3% so với tháng 5 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, giảm tới 9,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất – siết chặt quy trình kiểm dịch, đặc biệt với mặt hàng sầu riêng. Tính đến hết tháng 5/2025, xuất khẩu sầu riêng mới đạt 387 triệu USD, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 278 triệu USD, giảm mạnh tới 67%.
Do Trung Quốc chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam, mọi biến động từ thị trường này đều tác động trực tiếp đến toàn ngành. Việc nước này giảm nhập khẩu hàng loạt sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít… đã khiến tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm sâu, dù Việt Nam đã nỗ lực xúc tiến tại nhiều thị trường khác.
Tại các vùng sản xuất lớn, tình trạng dư thừa nguồn cung vào chính vụ tiếp tục tái diễn. Một số địa phương như Sơn La, Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu ghi nhận sản lượng mận hậu, xoài, nhãn, chanh leo tăng cao, song giá bán lại sụt giảm mạnh do khó xuất khẩu và thị trường nội địa không đủ khả năng hấp thụ.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của doanh nghiệp địa phương vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Lê Thị Hồng Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La – cho biết: “Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã vẫn thiếu thông tin thị trường, kinh nghiệm đàm phán thương mại cũng như kỹ năng đăng ký thương hiệu và chứng nhận chất lượng quốc tế”.
Đa dạng hóa thị trường là hướng đi tất yếu
![]() |
Đóng gói xoài tại nhà máy theo quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường cao cấp. |
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, việc mở rộng thị trường xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết. Các doanh nghiệp Việt cần tận dụng dư địa tăng trưởng tại các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).
Thực tế cho thấy, một số mặt hàng đã ghi nhận tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, xuất khẩu dừa đạt 216,3 triệu USD (tăng 40,1% so với cùng kỳ), xoài đạt 212,4 triệu USD (tăng 10,4%), chanh leo 90 triệu USD (tăng 14,5%), hạt dẻ cười 100,4 triệu USD (tăng 46,4%) và ớt đạt 59 triệu USD (tăng 9,7%).
Tuy nhiên, để các thị trường này trở thành điểm tựa thực sự, cần có chiến lược đầu tư bài bản từ khâu quy hoạch vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, đến đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm. Theo bà Ngô Thị Thu Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam – "chúng ta cần chuyển từ tư duy bán cái mình có sang tư duy cung ứng cái thị trường cần, đúng quy cách, đúng tiêu chuẩn".
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Trong đó, việc phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, kết nối đối tác nhập khẩu và quảng bá thương hiệu trái cây Việt được xem là trọng tâm. Đặc biệt tại thị trường châu Âu, các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng rất khắt khe.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan – khuyến nghị: “Nếu muốn thâm nhập bền vững vào EU, doanh nghiệp Việt cần xây dựng chuỗi cung ứng khép kín – từ vùng trồng đạt chuẩn EU đến khâu kiểm soát chất lượng đầu ra”.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động khai thác các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, UKVFTA... Đây là các khu vực có yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, nhưng đồng thời cũng mang lại mức giá và tiềm năng thị trường hấp dẫn.
Mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2025 đặt ra là 7,6 tỷ USD – tăng 6,8% so với năm 2024. Tuy nhiên, với kết quả nửa đầu năm mới chỉ đạt hơn 3 tỷ USD, ngành cần đạt thêm 4,55 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm – một thử thách lớn nếu không có bước đi quyết liệt.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường – nhấn mạnh: “Ngành trái cây Việt không thể tiếp tục trông chờ vào các thị trường dễ tính. Đã đến lúc phải tái cấu trúc toàn diện từ sản xuất đến thương mại, lấy chất lượng và khả năng thích ứng làm nền tảng cạnh tranh”.