“Tinh hoa trái cây Việt” - Nơi hội tụ hương sắc nông sản Việt Nam Trái cây Việt tìm chỗ đứng bền vững toàn cầu Xây dựng biểu tượng mùa vụ cho trái cây Việt |
Sản lượng tăng nhanh gây áp lực tiêu thụ
![]() |
Vùng trồng được quy hoạch bài bản theo nhu cầu tiêu thụ là nền tảng để phát triển chuỗi giá trị trái cây hiệu quả và bền vững. |
Những ngày đầu tháng 7, người tiêu dùng dễ dàng mua vải thiều với giá chỉ từ 8.000–10.000 đồng/kg, mít Thái chưa tới 5.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc cũng giảm giá mạnh. Ngay cả sầu riêng – mặt hàng từng có giá trị xuất khẩu cao – nay cũng được bán đại trà tại nhiều nơi với giá dưới 50.000 đồng/kg. Giá rẻ tưởng là tín hiệu tích cực với người tiêu dùng, nhưng thực chất lại là hồi chuông cảnh báo đối với người sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị nông sản.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 6/2025 ước đạt 750 triệu USD, đưa tổng giá trị 6 tháng đầu năm xuống còn hơn 3 tỷ USD – giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong 5 tháng đầu năm, mức sụt giảm lên tới 16%. Nguyên nhân chính là do sản lượng tăng nhanh, trong khi đầu ra không được mở rộng tương ứng.
Niên vụ 2024–2025, thời tiết thuận lợi đã khuyến khích nhiều nông hộ và hợp tác xã (HTX) mở rộng diện tích trồng, áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, giúp năng suất tăng vọt. Tuy nhiên, khi nhiều vùng cùng thu hoạch trong một thời điểm, lượng cung vượt xa sức mua của thị trường nội địa. “Dù người Việt chuộng trái cây, mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ được một lượng nhất định,” chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Văn Thịnh phân tích. “Khi hàng trăm tấn vải, xoài, mít... đổ về cùng lúc, giá không thể nào đứng vững,” ông nhấn mạnh.
Áp lực bán tháo càng lớn hơn đối với những loại trái cây có thời gian bảo quản ngắn. Sau khi thu hoạch, xoài và mít chỉ có thể giữ tươi trong khoảng 48–72 giờ nếu không được hỗ trợ bằng công nghệ bảo quản. Tuy nhiên, hệ thống kho lạnh tại các HTX hiện vẫn còn rất hạn chế. Do đó, nông dân buộc phải bán ra càng nhanh càng tốt, ngay cả khi bị ép giá nặng nề.
Bên cạnh đó, chính sách nhập khẩu từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi. Những yêu cầu mới về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng khiến không ít lô hàng bị từ chối xuất khẩu, buộc quay trở lại tiêu thụ trong nước. Áp lực cung–cầu dồn nén trong thời gian ngắn dẫn tới tình trạng dư thừa nghiêm trọng, đặc biệt vào cao điểm thu hoạch.
Quy hoạch vùng trồng gắn với thị trường
![]() |
Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và đầu tư bảo quản giúp nông sản giữ chất lượng, kéo dài thời gian tiêu thụ và giảm áp lực bán tháo. |
Bài toán đầu ra sẽ không thể giải quyết nếu chỉ chăm chăm vào tăng sản lượng. Theo PGS.TS Trần Lan Hương (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), để phát triển ngành trái cây theo hướng bền vững, điều cốt lõi là phải điều tiết sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, thay vì trồng ồ ạt theo phong trào. “Việc mở rộng diện tích cần dựa trên dự báo tiêu thụ và định hướng xuất khẩu cụ thể,” bà nhấn mạnh.
Tại nhiều quốc gia như Úc, Chile hay Thái Lan, vùng trồng được quy hoạch bài bản theo chiến lược thị trường rõ ràng. Mỗi mùa vụ đều có dữ liệu phân tích về nhu cầu, thời điểm thu hoạch và cơ chế giãn tiến độ nhờ công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều vùng sản xuất còn thiếu sự gắn kết với thị trường, dẫn đến tình trạng “cả làng trồng một giống”, cùng chín một lúc, buộc phải bán tháo.
Chuyên gia thị trường nông sản Trịnh Quốc Thái cho rằng: “Cần nhìn nhận trái cây như một mặt hàng kinh tế thay vì chỉ là sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Muốn vậy, phải xây dựng chuỗi cung ứng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ dựa trên cơ sở dữ liệu thị trường.” Theo ông, việc thiết lập bản đồ vùng trồng có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu sẽ là yếu tố then chốt để trái cây Việt thoát khỏi vòng lặp giá thấp.
Một hướng đi quan trọng khác là nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Đây là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao về an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đóng gói và bảo quản. Nếu các HTX được hỗ trợ đào tạo, cấp chứng nhận và đầu tư hạ tầng theo chuẩn quốc tế, thì đây sẽ là cơ hội lớn để nâng cao giá trị xuất khẩu trái cây Việt.
Giải pháp được nhiều chuyên gia đồng thuận là phát triển HTX theo hướng chuyên sâu, kết hợp truy xuất nguồn gốc, giãn mùa vụ bằng công nghệ và dự báo chính xác nhu cầu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư kho lạnh, sơ chế hiện đại để HTX không chỉ là điểm thu gom mà thực sự trở thành trung tâm điều phối sản xuất và tiêu thụ. “Không thể mãi trông chờ vào vận may mùa vụ. Nếu muốn đưa trái cây trở thành ngành hàng chiến lược, bắt buộc phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy thị trường,” ông Thái nhấn mạnh.