Vì sao doanh nghiệp Việt cần tái định vị thương hiệu?
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và hành vi tiêu dùng thay đổi chóng mặt, đặc biệt sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng định vị thương hiệu của họ đã lỗi thời, không còn chạm tới trái tim khách hàng mới.
![]() |
Nếu doanh nghiệp không tái định vị kịp thời, họ sẽ dần “bỏ rơi” những thế hệ khách hàng trẻ đang nắm quyền chi tiêu, như Gen Z. |
Theo ông Andy Vũ - Founder & CEO DigiMind Group nhận thấy, rất nhiều DN truyền thống đã phải chuyển mình, thay đổi hình ảnh thương hiệu của mình trong tiếp cận các thế hệ X, Y và bây giờ phải chuyển sang gen Z.
“Trong số hơn 98 triệu dân Việt Nam hiện nay, rõ ràng nhóm gen Z đang xuất hiện và chiếm ưu thế ở đây”, ông Andy Vũ cho hay.
Nếu doanh nghiệp không tái định vị kịp thời, họ sẽ dần “bỏ rơi” những thế hệ khách hàng trẻ đang nắm quyền chi tiêu, như Gen Z – nhóm khách hàng sẵn sàng trả nhiều hơn cho thương hiệu nào phù hợp với giá trị và phong cách sống của họ.
Ví dụ, thương hiệu kem đánh răng Closeup của Unilever đang thực hiện một chiến dịch tái định vị nhắm mục tiêu trực tiếp vào người tiêu dùng Thế hệ Z (Gen Z) tại Việt Nam, Indonesia, Philipin và cả Ấn Độ. Đây là một sự dịch chuyển chiến lược từ thông điệp chăm sóc răng miệng truyền thống sang thông điệp tập trung vào vẻ đẹp và sự thể hiện bản thân.
Một yếu tố quan trọng khác là quá trình số hóa và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Vingroup đã tái định vị từ tập đoàn bất động sản, dịch vụ sang công nghệ và ô tô điện với thương hiệu VinFast. Dù bước đi này nhiều rủi ro nhưng cũng mang lại hình ảnh mới mẻ, năng động và phù hợp hơn với xu thế toàn cầu hóa.
Bên cạnh đó, có thể kể đến Vinamilk, một thương hiệu lâu đời, đã thực hiện chiến lược tái định vị mạnh mẽ vào năm 2023. Với bộ nhận diện mới mang tinh thần “táo bạo, quyết tâm và luôn là chính mình”
Ngoài ra, ví điện tử MoMo cũng đã chuyển mình sang định vị mới là “Trợ thủ tài chính với AI”. Chiến lược này thể hiện tầm nhìn dài hạn và đáp ứng nhu cầu của Gen Z – thế hệ nhạy bén với công nghệ và yêu cầu trải nghiệm cá nhân hóa cao. MoMo đã nhân hóa hình tượng “Trợ thủ” như một người bạn đồng hành, tạo cảm giác gần gũi và tin cậy.
![]() |
Bên cạnh đó, có thể kể đến Vinamilk, một thương hiệu lâu đời, đã thực hiện chiến lược tái định vị mạnh mẽ vào năm 2023. |
Những xu hướng tái định vị thương hiệu nổi bật
Ngày nay, tái định vị thương hiệu không chỉ là làm mới bộ nhận diện, mà còn là thay đổi chiến lược toàn diện để phù hợp hơn với hành vi tiêu dùng mới. Dưới đây là một số xu hướng mà doanh nghiệp Việt đang theo đuổi.
Gen Z trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi. Nhiều thương hiệu địa phương đang được “rebrand” (tái định vị) chính nhờ sự sáng tạo và tình yêu đất nước của giới trẻ.
Thông qua các video viral và chiến dịch mạng xã hội, những địa danh như Nguyễn Huệ, Hạ Long, Hội An được khoác lên mình hình ảnh trẻ trung, năng động, tạo cảm giác tự hào và gần gũi hơn. Doanh nghiệp cũng học theo cách tiếp cận này, truyền tải thông điệp thương hiệu qua câu chuyện cảm xúc, thay vì chỉ nói về tính năng hay giá cả.
Ví dụ, PNJ đã tái định vị từ thương hiệu trang sức truyền thống sang định hướng số hóa, bền vững và cá nhân hóa trải nghiệm. Doanh nghiệp đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, AI, chăm sóc khách hàng 24/7 và các hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội) nhằm củng cố niềm tin của khách hàng cũ và thu hút lớp trẻ.
Theo bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch PNJ): “Xây dựng thương hiệu không phải là tạo một cái nhãn mà là một chiến lược…nếu PNJ cứ sản xuất sản phẩm tốt nhưng không xây dựng thương hiệu thì người Việt Nam không ai biết.”
Xu hướng số hóa và bền vững đang trở thành chuẩn mực cho các chiến lược tái định vị hiện đại, VinFast là một điển hình: không chỉ chuyển từ xăng sang ô tô điện, mà còn xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững, đáp ứng nhu cầu về môi trường của thế hệ trẻ.
Tương tự, PNJ tận dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, đồng thời cam kết giảm thiểu tác động môi trường qua các quy trình sản xuất sạch.
Rõ ràng, trong thời đại khách hàng thay đổi từng ngày, việc tái định vị không chỉ giúp thương hiệu trở nên mới mẻ và phù hợp hơn, mà còn khẳng định được giá trị cốt lõi và tầm nhìn dài hạn. Thông điệp ở đây không phải là “thay đổi mọi thứ”, mà là “thay đổi để tồn tại và phát triển”.
Từ các trường hợp thành công như VinFast, PNJ, Closeup hay các doanh nghiệp khác, có thể thấy một điểm chung: tái định vị hiệu quả cần bắt đầu từ hiểu khách hàng, lựa chọn chiến lược phù hợp và kiên định thực hiện. Việc doanh nghiệp chậm trễ hay e ngại đổi mới có thể khiến họ tụt lại phía sau, đặc biệt khi thế hệ khách hàng trẻ không ngần ngại “quay lưng” với những thương hiệu lỗi thời, thiếu cảm hứng.
Trong thời gian tới, khi thị trường tiếp tục biến động, tái định vị thương hiệu sẽ không chỉ là một xu hướng tạm thời, mà là chiến lược sống còn để doanh nghiệp Việt chinh phục khách hàng, khẳng định vị thế và vươn ra thế giới.
![]() |
![]() |
![]() |