Những tín hiệu tích cực từ xuất khẩu hàng hoá ngay đầu năm mới 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức tăng 5,6% Xuất khẩu hàng hoá năm 2025: Thuận lợi và thách thức |
Tăng trưởng mạnh nhưng thiếu bệ đỡ vững chắc
![]() |
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa sôi động trở lại trong nửa đầu năm 2025, nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. |
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, thặng dư thương mại chỉ đạt 7,63 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 12,15 tỷ USD của cùng kỳ năm 2024. Việc xuất khẩu tăng mạnh nhưng cán cân thương mại thu hẹp cho thấy bức tranh xuất nhập khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Bà Nguyễn Thu Oanh, Trưởng ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Tổng cục Thống kê), nhận định rằng xuất khẩu tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng phần lớn giá trị vẫn đến từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chưa có sự bứt phá rõ rệt về năng lực tạo giá trị gia tăng và mở rộng thị trường.
Dễ nhận thấy, đà phục hồi xuất khẩu thời gian qua chủ yếu đến từ việc giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, hơn là từ cải thiện nội tại về năng suất hoặc chất lượng sản phẩm. Trong lĩnh vực nông sản, cà phê là ví dụ điển hình: đạt kim ngạch xuất khẩu 5,45 tỷ USD trong 6 tháng, tăng tới 67,5% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng chỉ tăng 5,3%. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh 59,1% – yếu tố mang tính thời điểm, chưa bảo đảm tính bền vững.
Tương tự, ngành dệt may cũng ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch khoảng 11%, nhưng vẫn đối mặt nhiều rủi ro. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ chủ yếu nhờ giá bán cải thiện và đơn hàng dài hạn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng lợi nhuận 6 tháng đầu năm thường chỉ chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận cả năm. Từ nay đến cuối năm, ngành này vẫn đứng trước nguy cơ thiếu đơn hàng và chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng.
Không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nội tại, triển vọng xuất khẩu còn chịu ảnh hưởng đáng kể từ các biến động toàn cầu. Xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát tại các nền kinh tế lớn chưa được kiểm soát hoàn toàn và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng đang tạo áp lực lên thương mại quốc tế. Đây là những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2025.
Đa dạng hóa thị trường, kiểm soát nhập siêu
![]() |
Doanh nghiệp dệt may chú trọng đầu tư chiều sâu nhằm kiểm soát chi phí, giảm phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu. |
Trước bối cảnh nhiều bất định, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh vai trò của chiến lược mở rộng thị trường chủ động, đồng thời tăng cường năng lực nội tại của doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu. PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), cho rằng trong khi các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ và EU có dấu hiệu chững lại về nhu cầu tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển hướng sang những thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu. Đây là các khu vực tiềm năng lớn, song đòi hỏi chiến lược tiếp cận chuyên nghiệp, năng lực thích ứng cao và sự kiên trì lâu dài.
Ông Thành cũng lưu ý, kiểm soát nhập khẩu là yếu tố sống còn để duy trì thặng dư thương mại. Đặc biệt, cần hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu và nguyên phụ liệu không tạo ra giá trị gia tăng. “Nếu xuất khẩu tăng nhưng nhập siêu ở nhóm hàng không phục vụ sản xuất thì nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào mất cân đối. Do đó, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và chủ động nguồn nguyên liệu trong nước là rất quan trọng để cải thiện sức cạnh tranh,” ông nói.
Về phía chính sách, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: đàm phán mở cửa thị trường, cải cách thủ tục hải quan, phát triển logistics, kết nối thông tin thị trường… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để những chính sách này phát huy hiệu quả thực sự, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chiến lược thương mại và chiến lược công nghiệp – tức vừa mở rộng thị trường, vừa phát triển công nghiệp hỗ trợ và năng lực sản xuất nội địa.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đang tập trung xúc tiến xuất khẩu các nhóm sản phẩm tiềm năng như trái cây, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi. Song song đó, công tác đàm phán kỹ thuật để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và EU cũng đang được triển khai. “Chiến lược dài hạn của ngành là sản xuất theo chuẩn quốc tế, ổn định nguồn cung trong nước, gắn với nhu cầu thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu,” ông Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh sự hỗ trợ chính sách, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động tái cơ cấu và đầu tư chiều sâu để nâng cao sức chống chịu. Chẳng hạn, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS) đang đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Ông Phạm Văn Việt, Giám đốc công ty, cho biết doanh nghiệp không đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số như trước mà chuyển hướng tập trung vào kiểm soát chi phí, cải tiến công nghệ và mở rộng thị trường sang Australia, Canada để phân tán rủi ro.
Việc kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp – từ mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nội địa, kiểm soát nhập khẩu đến củng cố chuỗi cung ứng trong nước – sẽ là chìa khóa để xuất khẩu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Dù kết quả 6 tháng đầu năm 2025 mang lại tín hiệu tích cực, nhưng cũng phản ánh rõ sự thiếu vững chắc của nền tảng: thặng dư thương mại giảm, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu và rủi ro toàn cầu vẫn hiện hữu. Hướng tới tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần tiếp tục tái cơ cấu chiến lược xuất khẩu theo hướng chủ động, thích ứng linh hoạt và không ngừng nâng cao hàm lượng giá trị nội địa trong từng sản phẩm. Đó mới là nền tảng thực chất cho một hành trình phát triển dài hạn và ổn định.