An Giang xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép huyện Chợ Mới sang thị trường Hàn Quốc. |
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1-2024 ước đạt 33,57 tỉ USD, tăng 6,7% so với tháng 12/2023. So với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 tăng 42%; trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Dồn dập đơn hàng
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lộc Trời, thông tin, ngay trong những ngày đầu năm, công ty đã thắng thầu một đơn hàng cung ứng 65.000 tấn gạo Bulog 65. Theo đó, 3.600 nhân sự hệ sinh thái sản xuất của Tập đoàn Lộc Trời đã có mặt tại các nhà máy để tái khởi động sản xuất. Các nhà máy đang nỗ lực để đảm bảo các đơn hàng đã ký trước Tết. “Đúng ngày 15/2, đồng loạt nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, bao bì cùng 10 nhà máy gạo với năng lực cung ứng 2 triệu tấn gạo/năm cho thị trường trong nước và quốc tế sẵn sàng cho sản xuất” - ông Thòn cho biết.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – thông tin, chúng tôi vừa giao xong lô gạo thơm đi EU, công ty lại có đơn hàng xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á mà ở đây là Malaysia. Do đó, ngay sau Tết âm lịch, hoạt động thu mua, chế biến lúa gạo tại doanh nghiệp diễn ra rất sôi động.
Cụ thể, trong ngày 17/2 (tức ngày mùng 8 Tết), doanh nghiệp phải đóng 30 container, đến ngày 19/2 (tức ngày mùng 10 Tết) chúng tôi đóng tiếp 20 container nữa là đủ hơn 1.000 tấn cho Malaysia.
Bộ phận truyền thông của Thaco Group thông tin với báo chí, từ ngày 19/2, cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) nhộn nhịp những chuyến hàng đầu năm mới sau Tết Nguyên đán. Trong đó phải kể đến Tổng công ty vận tải đường bộ Thilotrans đã vận chuyển xuyên biên giới 10 chuyến trái cây cho Tập đoàn Thaco Agri (công ty này đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu nông sản năm 2024 là 190 triệu USD) và hơn 300 tấn tinh bột sắn cho Công ty chế biến bột sắn Attapeu từ Lào về cảng Chu Lai để xuất khẩu (XK).
Đáp ứng nhu cầu XK hàng hóa của các doanh nghiệp ngay sau Tết cổ truyền, phía Thilotrans đã bố trí 20 phương tiện, vận chuyển gần 16.000 tấn dăm gỗ cho Công ty Thanh Thành Đạt để XK từ cảng Chu Lai sang thị trường Trung Quốc.
Trước khí thế của mùa xuân mới, cảng Chu Lai đặt mục tiêu sản lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 5 triệu tấn trong năm 2024 (tăng 62% so với năm 2023). Công ty TNHH Giao nhận – Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi) đang hướng đến mục tiêu đưa Chu Lai trở thành trung tâm logistics quốc tế, kết nối với khu vực Tây Nguyên, Lào, Campuchia, góp phần phát triển ngành logistics Việt Nam.
Ghi nhận ở tỉnh Đồng Nai cho thấy trong 7 ngày thuộc dịp Tết Nguyên đán 2024 đã XK hàng hóa đạt hơn 29,11 triệu USD. Tại tỉnh Bình Dương, trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng hải quan tỉnh đã thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 8 triệu USD.
Tại Tp.HCM, trong tuần đầu Tết Nguyên đán, ở Cảng Tân Cảng - Cát Lái đã đón 75 chuyến tàu làm hàng XK, sản lượng thông qua cảng là 72.000 teus, tương đương hơn 1 triệu tấn hàng hóa (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong ngày Tết, cảng này có 190 lô hàng XK (chủ yếu là hàng nông sản, đồ gỗ, thủy sản) với kim ngạch hơn 9,54 triệu USD.
Riêng cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhộn nhịp với nhiều chuyến tàu cập làm hàng ngay từ đầu xuân. Đơn cử như siêu tàu One Infinity có sức chở 24.136 TEU, trong thời gian cập cảng vào ngày Tết đã xếp dỡ 3.807 container hàng hóa xuất nhập khẩu, sau đó tiếp tục hành trình tới cảng Singapore và Rotterdam. Tàu One Aquila với sức chở 14.052 TEU, chuyên khai thác kết nối Việt Nam và Mỹ, cũng đã cập cảng để lấy hàng XK. Tính ra, trong các ngày Tết, Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải quyết thủ tục cho 106 tờ khai XK, với kim ngạch XK đạt 15 triệu USD.
Ghi nhận ở các cửa khẩu tại Lạng Sơn cho thấy từ ngày 14/2 đến nay lượng phương tiện vận chuyển hoa quả XK lên các cửa khẩu của Lạng Sơn bắt đầu tăng mạnh để phục vụ nhu cầu thị trường Trung Quốc trong dịp rằm tháng Giêng. Dự báo trong những ngày tới, lượng hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh này ngày càng tăng.
XK hàng hóa nông sản sang Trung Quốc trong những ngày đầu xuân nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Như các ngày 8 – 14/2, đơn vị hải quan ở Lạng Sơn đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục thông quan XK cho 585 phương tiện vận chuyển hàng XK, trong đó có gần 13.000 tấn nông sản và hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), trong sáng ngày 18-2 đã có 95 phương tiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua cầu phao Km3+4 Hải Yên (phường Hải Yên, TP Móng Cái). Theo đó, hơn 900 tấn nông sản đã xuất khẩu sang Trung Quốc, giá trị ước đạt 3,7 triệu USD.
Nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục là điểm sáng
Cà phê chuẩn bị xuất khẩu đầu năm. Ảnh: U.P |
Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, đạt 274 triệu USD; rau quả tăng 24,9%, đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong tháng 1/2024 tiếp tục tăng. Điển hình như: giá cà phê tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn… Trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn trong xu hướng giảm (giá phân bón giảm 13,6%, giá chất dẻo giảm 11,7%; giá xơ, sợi dệt các loại giảm 11,7%...).
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác cũng tăng mạnh như: Trung Quốc tăng 57,8%, đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, đạt 3,04 tỷ USD…
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, năm nay, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Cụ thể xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.
“Xuất khẩu vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2024 khi vấn đề hàng tồn kho cao tại nhiều quốc gia đang dần được khắc phục. Cục Xuất nhập khẩu dự kiến chỉ tiêu phấn đấu về xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.