8 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức tăng 5,6% Dư địa xuất khẩu những tháng cuối năm 2024 là rất lớn Xuất siêu hơn 24 tỷ USD, nông sản tiếp tục là điểm sáng |
Xuất khẩu hàng hoá năm 2025: Thuận lợi và thách thức. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%.
Năm 2025, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 - 12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Cơ hội song hành cùng hành thách thức
Đề cập đến tình hình triển vọng xuất nhập khẩu trong năm 2025, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi.
Mặc dù có nhiều cơ hội, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định rằng xuất khẩu năm 2025 sẽ đối mặt với không ít rủi ro và thách thức. Xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, cùng các biện pháp khuyến khích đầu tư trong nước và các rào cản thương mại mới sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu. Các thị trường lớn như EU đang chú trọng phát triển bền vững; thêm vào đó, diễn biến địa chính trị phức tạp và các yêu cầu khắt khe về môi trường, lao động,… sẽ tiếp tục tạo ra những yếu tố khó lường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nền tảng xuất khẩu từ năm 2024, đặc biệt là việc ký kết và thực thi nhiều FTA, sẽ là động lực mạnh mẽ cho năm 2025.
Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%). Các thị trường xuất khẩu như ASEAN, EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đều ghi nhận tăng trưởng, đặc biệt là các thị trường FTA. Hoa Kỳ là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 119,6 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 24,77 tỷ USD, năm thứ 9 liên tiếp.
Giáo sư Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt ngày càng linh hoạt và chủ động thích ứng với yêu cầu thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm OCOP và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ tạo ra cơ hội mới, giúp hàng hóa và thương hiệu Việt dễ dàng vươn ra thế giới. Vì vậy, dư địa xuất nhập khẩu năm 2025 có triển vọng vượt xa năm 2024.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm trước. Với tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 47 - 48 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng cho quý I và đang đàm phán cho quý II/2025.
Việc tham gia các FTA cũng đã mang lại nhiều cơ hội quan trọng, giúp ngành dệt may Việt Nam gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu. Chủ tịch Vitas nhận định: Việt Nam là một trong số ít quốc gia có nhiều FTA, tạo lợi thế lớn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường quốc tế. Đặc biệt, Hiệp định CPTPP dù đặt ra các yêu cầu khắt khe về xuất xứ nguyên liệu, nhưng lại được các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng thích ứng và khai thác hiệu quả.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Hiện dệt may Việt Nam chiếm gần 20% thị phần tại Mỹ, trong khi Trung Quốc chiếm trên 20%. Tuy nhiên, với chính sách thuế mới của Tổng thống Donald Trump, hàng dệt may Trung Quốc có thể phải chịu 60% thuế và phí, khiến Trung Quốc mất lợi thế và tạo cơ hội cho dệt may Việt Nam chiếm thị phần lớn hơn nếu tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ và truy xuất chuỗi cung ứng.
Một loạt giải pháp trọng tâm
Đa dạng hoá thị trường để hiện thực hóa các mục tiêu xuất khẩu, năm 2025. |
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Công thương sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo lãnh đạo Bộ các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Hiện thực hóa các mục tiêu trên, năm 2025, Bộ Công thương tiếp tục đặt trọng tâm vào việc thực thi các FTA có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Cùng với đó, tăng cường khai thác các thị trường còn nhiều tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Trong năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành, trực tiếp là Bộ Công thương, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, tăng cường xúc tiến xuất khẩu khai thác hiệu quả các FTA nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
Chú trọng xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia chuỗi cung ứng quốc tế bền vững. Các doanh nghiệp cũng mong muốn được tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế.