FTA mở rộng đường cho hàng Việt vươn xa Hàng Việt mở rộng cánh cửa vào Á Âu Thương mại điện tử Nhật mở lối cho hàng Việt |
Chính sách thuế chưa rõ gây nhiều dè dặt
![]() |
Sản phẩm cà phê Robusta thuần Việt đang được ngành hàng chú trọng truy xuất nguồn gốc và hoàn thiện hồ sơ vùng trồng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ. |
Thông tin về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động, việc Mỹ phát tín hiệu về khả năng cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam được xem là cơ hội để nâng cao vị thế xuất khẩu. Tuy nhiên, khi chưa có văn bản chính thức, phần lớn doanh nghiệp vẫn thận trọng và dè dặt trong các quyết định điều hành chiến lược.
Ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu – nhận định, phát ngôn từ Tổng thống Mỹ về việc hạ thuế nhập khẩu từ 46% xuống khoảng 20% là một tín hiệu tích cực, nhất là đối với các mặt hàng nông sản chủ lực. Dù vậy, theo ông Hưng, khi chưa có quy định cụ thể về từng nhóm hàng, mức thuế tương ứng và điều kiện đi kèm, doanh nghiệp chưa thể vội vàng điều chỉnh kế hoạch sản xuất – kinh doanh.
“Không thể chỉ dựa vào phát ngôn chính trị để xoay chuyển toàn bộ chiến lược sản xuất và định giá. Chúng tôi đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, nhưng vẫn cần biết rõ mức thuế chính thức, thời điểm có hiệu lực và mặt hàng nào được áp dụng”, ông Hưng chia sẻ.
Đặc biệt, với các ngành chế biến thực phẩm có biên lợi nhuận thấp, nếu mức thuế mới dao động từ 10% đến 20%, doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu giá thành để giữ vững sức cạnh tranh. Doanh nghiệp của ông Hưng đang tính toán phương án giảm giá bán khoảng 5% nhằm tăng sức hút thị trường, song vẫn phải đảm bảo không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
Về phía các hiệp hội ngành hàng, tâm lý vừa kỳ vọng vừa lo ngại cũng hiện diện rõ rệt. Ông Trần Hữu Hậu – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam – cho biết, điều nhân của Việt Nam chiếm hơn 80% lượng nhập khẩu của Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nguyên liệu chế biến thực phẩm tại đây. Ngành điều kỳ vọng sẽ được áp dụng cơ chế thuế linh hoạt, thậm chí trở lại mức 0% như trước. Tuy nhiên, nếu mức 20% được áp dụng đại trà, áp lực chi phí sẽ lan tỏa trên toàn chuỗi giá trị.
Tại cuộc họp báo ngày 3/7, ông Trần Gia Long – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) – cho biết Bộ đã tính toán ba kịch bản tăng trưởng dựa trên các mức thuế đối ứng từ phía Mỹ. Nếu thuế nhập khẩu giảm về mức 10%, tăng trưởng toàn ngành vẫn có thể đạt 4%. Tuy nhiên, với mức 20%, kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm dự kiến giảm khoảng 6,5 tỷ USD. Trong kịch bản xấu nhất – nếu thuế quay lại mức 46% – mức sụt giảm có thể lên tới 12,3 tỷ USD. Những con số này càng khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thay đổi chiến lược dài hạn.
Không chỉ dừng ở vấn đề thuế, câu chuyện về xuất xứ hàng hóa cũng đang trở thành yếu tố sống còn giúp hàng Việt giữ vững vị thế tại thị trường Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Washington tăng cường siết chặt kiểm soát gian lận thương mại.
Minh bạch xuất xứ để giữ vững thị phần
![]() |
Công nhân sơ chế và đóng gói nông sản tại doanh nghiệp xuất khẩu phía Nam. Nhiều doanh nghiệp đang tạm thời giữ kế hoạch sản xuất ổn định, chờ chính sách thuế nhập khẩu từ Mỹ rõ ràng hơn trước khi điều chỉnh chiến lược dài hạn. |
Ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA) – cho rằng, dù thông tin từ Mỹ tạo ra cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp Việt, nhưng không thể xem đây là lợi thế tuyệt đối khi các quốc gia xuất khẩu lớn như Brazil, Ấn Độ cũng đang đàm phán ưu đãi tương tự. Theo ông Hải, yếu tố then chốt là minh bạch chuỗi cung ứng và xuất xứ sản phẩm – một điều kiện tiên quyết để giữ niềm tin từ các thị trường khó tính.
“Chính sách thuế chỉ là một phần. Khả năng truy xuất nguồn gốc mới là nền tảng lâu dài để tạo lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cần chứng minh sản phẩm là 100% Việt Nam, sử dụng nguyên liệu nội địa và chế biến trong nước thì mới có thể hưởng ưu đãi một cách bền vững”, ông Hải phân tích.
Ông Hải cho biết, riêng ngành cà phê – đặc biệt là cà phê Robusta – việc xác minh nguồn gốc khá thuận lợi vì chủ yếu là giống bản địa. Tuy nhiên, ngành vẫn đang tích cực hoàn thiện hệ thống truy xuất điện tử, hồ sơ vùng trồng và mã số lô hàng, nhằm đồng bộ thông tin từ nơi sản xuất đến bàn đàm phán.
Tương tự, ông Hưng cũng nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp muốn xuất khẩu ổn định sang Mỹ cần siết chặt quy trình sản xuất – đóng gói – dán nhãn – kê khai hải quan. “Chỉ cần một lô hàng bị nghi gian lận hoặc không minh bạch, uy tín doanh nghiệp có thể bị tổn hại nghiêm trọng. Đây là bài học không mới nhưng luôn cần được nhắc lại”, ông Hưng nói.
Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn hiện tại là thời điểm bản lề buộc doanh nghiệp phải chuyển từ tư duy ứng phó sang tư duy chủ động thích ứng. Không thể chờ đợi chính sách rõ ràng mới bắt đầu hành động. Doanh nghiệp cần đầu tư ngay vào nền tảng dài hạn như số hóa chuỗi cung ứng, hợp chuẩn chất lượng và minh bạch hóa xuất xứ. Đây không chỉ là giải pháp tạm thời ứng phó biến động thuế, mà còn là chìa khóa giúp giữ vững thị phần xuất khẩu trong dài hạn.
Cuộc điện đàm cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Việt – Mỹ mở ra cánh cửa mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng để bước qua được cánh cửa ấy, doanh nghiệp cần chuẩn bị bằng nội lực thực chất – đó là năng lực minh bạch, là khả năng thích ứng nhanh và là cam kết phát triển bền vững giữa bối cảnh toàn cầu không ngừng thay đổi.