Giá sầu riêng giảm sâu, nhà vườn lao đao Sầu riêng Việt: Từ “trái cây tỷ đô” đến bài học về phát triển bền vững Xuất khẩu sầu riêng và bài toán chất lượng bền vững |
![]() |
Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 386 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ 2024. |
Xuất khẩu nhỏ giọt, thị phần lao dốc vì rào cản kỹ thuật
Sầu riêng – từng là “quả vàng tỷ USD” của ngành nông sản Việt Nam – đang chứng kiến cú trượt dài chưa từng có. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 386 triệu USD, giảm 58% so với cùng kỳ 2024. Riêng tháng 5 tiếp tục ghi nhận tháng giảm thứ 5 liên tiếp, báo hiệu tình trạng đáng báo động.
Đáng chú ý, tỷ trọng sầu riêng trong tổng xuất khẩu rau quả cũng giảm mạnh, từ mức 35% xuống chỉ còn 17%. Nguyên nhân chính là sự sụt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chiếm tới 72% tổng lượng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Kim ngạch từ thị trường này 5 tháng qua chỉ đạt 278 triệu USD, giảm tới 67%.
Khác với các năm trước, khó khăn lần này không đến từ nhu cầu tiêu dùng mà bắt nguồn từ việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát kỹ thuật. Cụ thể, nước này đã chuyển từ kiểm tra xác suất sang kiểm nghiệm 100% lô hàng, tập trung vào các chỉ tiêu như dư lượng cadimi, chất cấm Vàng O, kiểm dịch thực vật và tính minh bạch của mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Việc nhiều lô hàng bị phát hiện chứa kim loại nặng vượt ngưỡng hoặc sử dụng hóa chất cấm khiến doanh nghiệp lo ngại chậm thông quan, dẫn đến hư hỏng hàng, nên chỉ dám xuất khẩu theo đơn nhỏ, thậm chí một số đơn vị tạm ngưng xuất khẩu để hoàn thiện lại hồ sơ và quy trình sản xuất. Đây là lý do khiến hợp đồng xuất khẩu lớn gần như “đóng băng”, kéo theo đà giảm chung của toàn ngành rau quả.
Cần chuẩn hóa từ gốc để giữ vững thị trường tỷ đô
![]() |
Trước thực trạng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp không nằm ở cửa khẩu, mà phải bắt đầu từ vùng trồng và chuỗi giá trị nội địa. Ảnh Đặng Tuấn |
Trước thực trạng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp không nằm ở cửa khẩu, mà phải bắt đầu từ vùng trồng và chuỗi giá trị nội địa. Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam cần triển khai mô hình kiểm định chất lượng từ gốc, tức là xây dựng các phòng lab mini ngay tại vùng trồng, giúp nông dân xét nghiệm chất cấm, kim loại nặng ngay tại địa phương, trước khi hàng được chuyển đi sơ chế và kiểm định lần cuối tại các phòng lab được Trung Quốc công nhận.
Đây là mô hình mà Thái Lan đã áp dụng thành công, giúp tiết kiệm thời gian, giảm áp lực thông quan, đồng thời gia tăng sự minh bạch cho toàn chuỗi. Đặc biệt, việc kiểm tra tại nguồn sẽ giúp phát hiện sớm các sai phạm về phân bón, chất kích thích sinh trưởng, đồng thời giảm nguy cơ hàng bị trả về.
Bên cạnh đó, theo Công ty kiểm định Hoàn Vũ – đơn vị được Trung Quốc công nhận – dư lượng cadimi trong sầu riêng không xuất phát từ đất tự nhiên, mà do nông dân lạm dụng phân bón hóa học, phân bón lậu. Vì vậy, cần có các chương trình phân loại, cải tạo đất, xây dựng bản đồ vùng trồng sạch, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật canh tác an toàn, thay đổi dần thói quen sản xuất của nông dân.
Ở cấp thể chế, trong khuôn khổ hội đàm ngày 28/5 giữa Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Tổng cục trưởng Hải quan Trung Quốc, hai bên đã thống nhất tăng nhân lực, thời gian làm việc tại cửa khẩu, giúp giảm áp lực trong mùa vụ. Trung Quốc cũng phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói của Việt Nam, góp phần khơi thông lại dòng chảy xuất khẩu.
Việt Nam hiện cũng đề xuất ba hướng hợp tác kỹ thuật với Trung Quốc: Điều chỉnh chính sách kiểm dịch thực vật theo hướng thuận lợi hơn; Tăng tốc phê duyệt phòng lab kiểm định đủ điều kiện; Rút ngắn quy trình thông quan với các lô hàng đạt chuẩn.
Tuy nhiên, những nỗ lực này sẽ chỉ có hiệu quả nếu Việt Nam thực sự nâng chuẩn nội tại – từ chất lượng giống cây, quy trình canh tác, chế biến – đến kiểm định. Trong bối cảnh Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia đang gia tăng cạnh tranh bằng việc chuẩn hóa sản phẩm, Việt Nam không thể giữ thị phần nếu chỉ trông vào chính sách hoặc thời điểm mùa vụ thuận lợi.
Từ vị thế “ngôi sao xuất khẩu tỷ USD”, sầu riêng Việt Nam đang đối diện nguy cơ mất thị trường nếu không thay đổi cách làm. Nâng chuẩn là yêu cầu tất yếu, không chỉ để vượt rào cản Trung Quốc, mà còn để xây dựng thương hiệu bền vững cho loại trái cây chủ lực này trên trường quốc tế. Nếu hành động đủ nhanh và đồng bộ, sầu riêng Việt không chỉ “giữ được sân nhà”, mà còn có thể tiếp cận các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu trong tương lai gần.
![]() |
![]() |
![]() |