Tín hiệu tích cực từ hành lang thương mại mới
![]() |
Trong quý I/2025, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam đạt 8.710 tấn, tăng gần 63%; giá trị đạt trên 31 triệu USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2024. |
Cuối tháng 5/2025, ngành hàng sầu riêng Việt Nam ghi nhận dấu mốc đáng chú ý khi hơn 22 tấn sầu riêng đông lạnh được thông quan qua cửa khẩu cầu Bắc Luân II tại Đông Hưng, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sầu riêng đông lạnh Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, theo Nghị định thư song phương được ký kết vào tháng 8/2024.
Lô hàng này do Công ty TNHH Xuất khẩu và Thương mại Vina M&B (Hà Nội) chế biến, đối tác nhập khẩu là Công ty Shanghai Xinronghe International Trade (Thượng Hải). Tại cửa khẩu, toàn bộ sản phẩm được kiểm tra nghiêm ngặt theo đúng tiêu chuẩn phía bạn yêu cầu, khẳng định mức độ chuyên nghiệp và năng lực kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp Việt.
Sự kiện trên được xem như “luồng gió mát” giữa bối cảnh xuất khẩu sầu riêng tươi đang gặp nhiều thách thức về kiểm dịch và các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, sầu riêng đông lạnh nhờ đặc tính bảo quản lâu dài, khả năng phân phối sâu vào nội địa Trung Quốc và chi phí vận chuyển tối ưu đang trở thành lựa chọn chiến lược để nâng cao giá trị xuất khẩu. Việc được thông quan trực tiếp cũng giúp trái sầu riêng Việt Nam rút ngắn hành trình, không còn phải đi đường vòng qua Thái Lan như trước.
Theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, sản phẩm đông lạnh có thể bảo quản tới một năm, tạo điều kiện thuận lợi để phân phối rộng rãi khắp Trung Quốc, vượt qua giới hạn vùng tiêu thụ vốn bó hẹp ở phía Nam khi xuất khẩu sầu riêng tươi. Dự báo, riêng mảng sầu riêng đông lạnh có thể mang về 600 – 700 triệu USD trong năm 2025 và có thể đạt tới mốc tỷ USD trong tương lai gần nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay.
Thống kê từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, trong quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 8.710 tấn sầu riêng đông lạnh, đạt giá trị hơn 31 triệu USD – tăng gần 63% về lượng và hơn 50% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, con số này chưa bao gồm thị trường Trung Quốc, cho thấy tiềm năng còn rất lớn.
Cần chiến lược dài hơi và chuyển đổi tư duy sản xuất
![]() |
Lô hàng sầu riêng đông lạnh đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc. |
Dù thị trường Trung Quốc rộng lớn và tiêu thụ mạnh, nhưng không dễ để sầu riêng đông lạnh Việt Nam khẳng định được chỗ đứng. Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và công nghệ SUTECH nhận định, tiêu chuẩn kỹ thuật dành cho sầu riêng cấp đông thậm chí còn khắt khe hơn sầu riêng tươi. Sản phẩm phải được xử lý ở nhiệt độ -35°C hoặc thấp hơn trong tối thiểu 1 giờ để đạt lõi -18°C, và toàn bộ chuỗi bảo quản – vận chuyển phải giữ đúng mức nhiệt này.
Theo bà Mến, tại các trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc, sầu riêng cấp đông Musang King nguyên quả của Malaysia đang chiếm ưu thế lớn. Lý do là Malaysia đầu tư bài bản cho chất lượng, mẫu mã và đặc biệt là xây dựng thương hiệu một cách nhất quán. Những trái sầu Musang King tròn đều, có hình thức bắt mắt và luôn hiện diện trong các lễ hội trái cây do Malaysia tổ chức định kỳ tại Trung Quốc, tạo nên sức lan tỏa và độ nhận diện cao.
Từ bài học thành công đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi tư duy kinh doanh thuần túy sang hướng chế biến sâu, chú trọng đến công nghệ và khoa học thực phẩm. Chỉ khi nắm được chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu, quy trình sơ chế đến bảo quản, Việt Nam mới có thể cạnh tranh sòng phẳng và bền vững với các đối thủ trong khu vực.
Hiện có hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, theo số liệu của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Trong số này, Công ty TNHH Xuất khẩu và Thương mại Vina M&B cho biết sẽ tiếp tục nâng cấp công nghệ chế biến sâu, tuân thủ tuyệt đối các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào và truy xuất nguồn gốc từng lô hàng.
Về lâu dài, chiến lược toàn diện của doanh nghiệp cần tập trung kiểm soát chuỗi cung ứng từ nông trại đến bàn ăn. Chỉ có như vậy, sầu riêng đông lạnh Việt Nam mới có thể không chỉ mở rộng thị phần tại Trung Quốc mà còn phát triển vững chắc ở các thị trường khác như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia và khối ASEAN – những nơi đang dần quen thuộc với sản phẩm trái cây nhiệt đới được chế biến sâu.